Đề nghị áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch

Mai Thoa| 30/05/2022 10:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Mới có 07/111 quy hoạch được quyết định/phê duyệt

Trước khi bước vào phần thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung này.

202205260847208925_cqh_0215.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 để giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, từ đó đề xuất giải pháp xử lý những bất cập, tồn tại.

Kết quả giám sát cho thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia , 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải , Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo giám sát chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Cụ thể: Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chính Luật này còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.

Nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể nên còn ý kiến khác nhau về nội dung, mức độ thể hiện của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Khái niệm “tích hợp quy hoạch” được quy định trong luật là khái niệm mới, chưa rõ ràng về nội hàm và chưa được quy định cụ thể trong quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nên khó triển khai trong thực tiễn; nhiều quy định về quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong luật chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến khó khăn trong triển khai.

Bên cạnh đó, Danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của các Bộ, ngành như: có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý ; có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung chồng lấn, trùng lặp với nội dung quy hoạch ngành quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành...

Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với sự phối hợp đa ngành; việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch còn nhiều hạn chế. Tư duy, nhận thức theo các quy định mới về công tác quy hoạch chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Dẫn đến có nhiều ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương về cách tiếp cận, phương pháp lập quy hoạch và nội dung quy hoạch, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật mất nhiều thời gian để thống nhất giữa các Bộ.

Công tác chỉ đạo thi hành Luật Quy hoạch của một số Bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt, thời gian tham gia ý kiến nhiệm vụ lập quy hoạch và thời gian thẩm định và phê duyệt của các cơ quan kéo dài.

Trong giai đoạn đầu, chưa phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, phân công trách nhiệm chưa cụ thể, thiếu chủ động trong công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai còn mang tính chủ quan nên thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi và không bảo đảm tiến độ; công tác tham mưu, phát hiện bất cập, khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, phương án xử lý còn hạn chế, thiếu kịp thời…

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế.

Đề nghị cho phép áp dụng chỉ định thầu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, Đoàn giám sát cũng chỉ ra trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề này và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

202205271445166291_0-chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-vu-hong-thanh-2-.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” sáng nay 30/5.

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch với những nội dung chính sau đây:

Các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.

Cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Cụ thể: Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.

Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch