Sáng nay 27/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Dân chủ ở cơ sở.
Đây là dự luật quan trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các cơ quan liên quan.
Quy định về chế tài xử lý vi phạm về dân chủ ở cơ sở
Theo đó, dự thảo Luật gồm 07 chương, 74 điều với nhiều điểm mới quan trọng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật có các điểm mới, gồm: mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới trong thực hiện thông tin ở cơ sở.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; Tại doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát;…
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng kế thừa hầu hết các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra. Vì đây là một thiết chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có báo cáo bổ sung hoặc chuẩn bị giải trình cụ thể, thuyết phục về một số nội dung sau đây: Tổng kết, đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; bổ sung các phân tích gắn với số liệu cụ thể khi đánh giá tác động chính sách để lý giải lý do lựa chọn giải pháp chính sách có tính thuyết phục cao hơn.
Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 03 loại hình cơ sở chính, gồm: Xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; Cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp;
Đồng thời, tán thành giao các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định cụ thể việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, tổ chức có tính chất đặc thù. Như các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương.
Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ thêm các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân;
Vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương của Đảng;
Các chế tài và hình thức xử lý, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cả phía người dân và phía các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong mối quan hệ về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thể chế hóa đúng đắn chủ trương của Đảng về mở rộng, phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân .