Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP (Nghị quyết 01) của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm đỡ khó khăn hơn trong quyết định về án treo.
Tuy nhiên, một số hướng dẫn khá máy móc, khô cứng, đã thu hẹp phạm vi án treo theo luật định, thu hẹp khả năng tùy nghi – một điểm đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán; chưa đáp ứng chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, coi trọng tính phòng ngừa, thu hẹp phạt tù… hiện nay.
Trong bài viết này, chúng tôi xin phân tích, đánh giá sâu hơn về Nghị quyết số 01/ hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo để có cơ sở cho việc hướng dẫn Điều 65 BLHS năm 2015 tới đây.
Theo quy định của BLHS năm 1999 và năm 2015, án treo là chế định quan trọng của luật hình sự. Chế định này có trong pháp luật hình sự các quốc gia cũng như ở nước ta từ rất lâu đời.
Về cơ bản BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên tinh thần của BLHS năm 1999 về bản chất án treo, nhưng bổ sung chặt chẽ hơn một số nội dung để đảm bảo cho việc áp dụng chế định này hiệu quả hơn trên thực tế. Đó là: Quy định Toà án có trách nhiệm tuyên buộc người được hưởng án treo thực hiện các nghĩa vụ luật định; Không hạn chế loại hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người được hưởng án treo; Điều kiện thử thách của án treo được bổ sung. Ngoài không phạm tội mới trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo không được cố ý vi phạm nghĩa vụ án treo từ 2 lần trở lên…Dù quy định của pháp luật có những thay đổi về cách diễn đạt, nhưng bản chất của án treo cũng không hề thay đổi. Án treo chỉ được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù; Người bị kết án phạt tù không phải chấp hành hình phạt tù trên thực tế nếu chấp hành đúng điều kiện thử thách luật định.
Để áp dụng và chấp hành án treo đúng, việc nhận thức đúng đắn điều kiện áp dụng án treo và điều kiện thử thách án treo có ý nghĩa rất quan trọng.
Khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình thiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cấn thiết bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cho hưởng án treo”. Như vậy, việc áp dụng án treo có các điều kiện cần và đủ đã quy định tại điều này. Toà án đánh giá các điều kiện đó trong từng vụ án cụ thể để quyết định cho người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo. Và đó là quyền tuỳ nghi (có thể) của Toà án. Việc bổ sung thêm bất kỳ điều kiện nào khác ngoài khoản 1 Điều 65 BLHS là thu hẹp trái pháp luật phạm vi áp dụng án treo
Thực tiễn hướng dẫn áp dụng án treo những năm qua cho thấy, kể từ khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi ban hành BLHS năm 2015, quy định về án treo có hai lần sửa đổi không đáng kể; nhưng đã có 11 lần được TANDTC và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng. Nhìn chung, đã quán triệt chính sách hình sự của từng thời kỳ phát triển đất nước và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, xuất phát từ thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền đã bám sát quy định của Điều 44 BLHS năm 1985, Điều 60 BLHS năm 1999 để hướng dẫn các Toà án nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng qua thực tiễn thấy rằng, có những hướng dẫn vẫn còn gây ra những bất cập, khó khăn cho công tác xét xử, không phù hợp với bản chất của án treo, chưa bám sát chính sách hình sự của Nhà nước ta đã được thể hiện trong các Bộ luật…
Để có cơ sở cho việc hướng dẫn Điều 65 BLHS năm 2015 thì cần có đánh giá về những bất cập của Nghị quyết này.
Theo chúng tôi, Nghị quyết 01 là văn bản hướng dẫn tương đối toàn diện, chi tiết về việc áp dụng án treo; tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Toà án các cấp. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất, điều kiện án treo luật định, chính sách hình sự hướng thiện, coi trọng phòng ngừa, hạn chế giam giữ… thì theo chúng tôi, một số nội dung cần được trao đổi thêm.
Đó là: Về điều kiện áp dụng án treo, quy định ở điểm a khoản 1 Điều 2 thì án treo chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Vậy người giúp sức lần đầu trong tội đặc biệt nghiêm trọng có được áp dụng không đang là khoảng trống mà thực tiễn vừa qua đã có những trường hợp này.
Một số hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết cũng cần được xem xét lại xem có vượt ra ngoài quy định của Điều 60 BLHS hay không. Đó là “Chỉ áp dụng án treo đối với người có nhân thân tốt”. Hướng dẫn này liệu có trái với quy định tại khoản 1 Điều 60 BLHS như chúng tôi đã phân tích trên. Và trường hợp “Không áp dụng án treo đối với người có tiền sự hoặc đã xoá tiền sự; người đã được xoá án tích”. Quan niệm như hướng dẫn sẽ triệt tiêu động cơ giáo dục cải tạo người bị kết án, xử lý; không tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập; và có thể nói là trái với nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với thực trạng xử phạt hành chính, xử lý hành chính hiện nay: các vi phạm hành chính không do luật định; tỷ lệ xử phạt phi chính thức quá cao; quản lý xử phạt hành chính lỏng lẻo, không đầy đủ, không chặt chẽ… thì liệu việc quy định không áp dụng án treo đối với người có tiền sự liệu có hợp lý, công bằng hay không? Việc khấu trừ tình tiết tăng nặng vào tình tiết giảm nhẹ để xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ (điểm d khoản 1 Điều 2) có thoả mãn điều kiện áp dụng án treo hay không? tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết nhân thân thể hiện tính nguy hiểm của người phạm tội… đã được làm căn cứ để quyết định hình phạt tù.
Theo chúng tôi, đánh giá tính chất của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân người phạm tội để quyết định cho hưởng án treo hay không (tức có cần bắt người bị kết án chấp hành hình phạt tù hay không) khác hoàn toàn với đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo. Hay nói cách khác, người làm luật quy định căn cứ quyết định hình phạt và căn cứ miễn chấp hành hình phạt tù đã được quyết định khác nhau.
Điều 60 BLHS 1999 không hề đề cập đến tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cho nên khi hướng dẫn cũng không nên sử dụng tình tiết tăng nặng để hạn chế việc áp dụng biện pháp nhân đạo này.
Điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01 quy định: “không áp dụng án treo đối với Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của BLHS 1999”. Theo chúng tôi, nghiêm trị không đồng nghĩa với không cho hưởng án treo. Nghiêm trị là xử phạt ở mức cao trong khung hình phạt quy định. Mà trong BLHS, có nhiều khung hình phạt được quy định rất nhẹ, tối đa không quá 3 năm tù, thậm chí có nhiều chế tài không quy định phạt tù. Cho nên, đối với những người (chứ không phải là đối tượng) trên, trong từng vụ án cụ thể đối với từng tội phạm cụ thể, cần để HĐXX đánh giá một cách khách quan, toàn diện trên cơ sở quy định của Điều luật quy định về án treo để quyết định phù hợp.
Án treo là một trong những chế định được áp dụng khá phổ biến trong thực tiễn xét xử của các TAND và Toà án quân sự nước ta những năm qua. Theo khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng 10 năm (2007 – 2016) trở lại đây, tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo tăng đến năm 2009 và giảm dần; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết 01 được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008, tỷ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án; năm 2013 tỷ lệ đó vào khoảng 20 - 22% và năm 2016 tỷ lệ người được hưởng án treo khoảng 16 -18%, các nước khác tỷ lệ này là 50-60%.
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ tỷ lệ người bị kết án được cho hưởng án treo khá thấp là do các nguyên nhân như: Nhận thức thiếu chính xác và thống nhất điều kiện áp dụng án treo luật định; Hướng dẫn áp dụng án treo quá chặt chẽ, thu hẹp phạm vi áp dụng án treo luật định; Dư luận xã hội thiếu tích cực đối với tình hình áp dụng án treo; cho rằng án treo không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghi ngờ có tiêu cực của Thẩm phán trong áp dụng án treo; Quy chế kỷ luật trong quản lý Thẩm phán cũng làm cho một số Thẩm phán e ngại trong áp dụng án treo.
Điều 65 BLHS năm 2015 đã có nhiều điểm thay đổi, bổ sung về án treo. Đặc biệt, quy định về áp dụng hình phạt bổ sung và điều kiện thử thách mới của án treo. Trong BLTTHS năm 2015, thủ tục buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù không được quy định. Vì vậy, quy định này cần được nhận thức đúng về nội dung và hướng dẫn thực hiện hợp lý về thủ tục tố tụng.
Vì vậy, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần quán triệt chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa, hạn chế hình phạt tù của Đảng và Nhà nước ta, xem xét lại Nghị quyết 01, quán triệt tốt Điều 65 BLHS năm 2015 và tổng kết thực tiễn xét xử những năm qua để ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 01.
Trong đó, nội dung Nghị quyết mới cần chú trọng những điểm như: Hướng dẫn điều kiện áp dụng án treo đúng với bản chất các quy định của Điều 65 BLHS, tránh cứng nhắc, máy móc. Việc áp dụng các hình phạt bổ sung như quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú, tước một số quyền công dân như thế nào đối với người mà Toà án thấy rằng không cần phải chấp hành hình phạt tù, tức cho phép tự giáo dục cải tạo trong mô trường sống và làm việc bình thường. Vi phạm các nghĩa vụ nào thì người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù.
Ngoài ra, TANDTC cũng cần có các biện pháp quản lý hợp lý để động viên Thẩm phán, Hội thẩm mạnh dạn, an tâm áp dụng đúng án treo; đồng thời, tránh những vi phạm, tiêu cực trong hoạt động xét xử của mình; nâng cao vị thế của Toà án, uy tín của đội ngũ Thẩm phán trong bối cảnh Nhà nước pháp quyền, CCTP, thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người hiện nay.