Không chỉ riêng cơn bão Yagi, mà biết bao năm qua những thiệt hại do thảm họa thiên tai gây ra là vô cùng to lớn, đau thương. Những cơn bão, lũ lụt đã cuốn đi cuộc sống yên bình của bao gia đình, để lại những ngôi làng hoang tàn. Chính trong những lúc khó khăn đó tình người càng được khắc họa rõ rệt và sâu sắc nhất. Đó là những toa tàu “sóng thần”, những chuyến xe từ thiện đi xuyên màn đêm, những con người thức trắng 2, 3 ngày mới ngủ để đóng hàng… Đó chính là tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Không chỉ riêng cơn bão Yagi, mà bao năm qua, những thiệt hại do thảm họa thiên tai gây ra là vô cùng to lớn, đau thương. Những cơn bão, lũ lụt đã cuốn đi cuộc sống yên bình của nhiều gia đình, để lại những ngôi làng hoang tàn. Chính trong những thời điểm khó khăn, tình người càng được khắc họa rõ nét và sâu sắc nhất. Đó là những toa tàu “sóng thần”, những chuyến xe từ thiện đi xuyên màn đêm, những con người thức trắng 2, 3 ngày mới ngủ để đóng hàng… Đó chính là tình dân tộc, nghĩa đồng bào, là ánh sáng ấm áp giữa những cơn bão tố khắc nghiệt.
Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Đất nước có hình chữ S với bờ biển dài 3.440 km, vị trí địa lý độc đáo nằm trong vành đai gió mùa Đông Nam Á. Thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho Việt Nam nhiều cảnh đẹp, nhiều dạng địa hình khác nhau. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chính những “đặc ân” đó như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… Thiên tai cứ mỗi năm lại đôi ba lần… Dần dần đã trở thành một phần của cuộc sống người dân đất nước tôi.
Khắc nghiệt nhất có lẽ phải kể đến miền Trung. Một khu vực tập trung nhiều bão nhất so với cả nước. Đây cũng là nơi có địa hình chia cắt nên chịu ảnh hưởng nặng nề từ những cơn bão, lũ lụt. Mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân miền Trung lại phải chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những con sóng dữ, dòng nước lũ dâng cao.
Đó là tại đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nắng hạn vào mùa khô và mưa lũ, sạt lở đất vào mùa mưa. Là những trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng tại vùng núi phía Bắc. Mưa lớn có thể biến những con suối hiền hòa thành dòng thác dữ, cuốn theo đất đá và nhà cửa.
Trong những ngổn ngang đổ nát vì mưa bão, ngập ngụa bùn nước và lũ lụt… ngành chức năng các cấp luôn triển khai hàng loạt các biện pháp tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ. Và biết bao tấm gương lăn xả, quên mình trong cơn lũ dữ, trong cuồng phong của bão… vì người khác, đã viết tiếp bản trường ca về tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Báo Công lý là một trong những đơn vị chủ động trong công tác quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ bà con ở những vùng “rốn lũ”, luôn có mặt khi đồng bào cả nước cần.
Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Báo Công lý phát động quyên góp trong toàn cơ quan nhằm hỗ trợ, động viên đồng bào trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Trận bão, lũ quét lịch sử đã khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. 350 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại các địa phương. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, các vùng bị ảnh hưởng thường phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, từ việc thiếu lương thực, nước uống đến việc cần thiết phải sơ tán và cứu trợ.
Báo Công lý, với vai trò là một cơ quan truyền thông đã tổ chức các hoạt động cứu trợ cũng như kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng và các tổ chức khác cho các hoàn cảnh khó khăn, các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Báo đã không ngừng cập nhật tình hình thực tế, từ đó giúp đỡ các tổ chức và cá nhân trong việc cung cấp hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Ngay sau lời phát động, 20 tấn hàng hoá đã được ủng hộ tập kết tại Văn phòng phía Nam (VPPN) của báo từ những nhà hảo tâm.
Với số lượng hàng lớn như vậy, Báo Công lý đã có sự giúp đỡ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Khởi hành từ ga Sóng Thần, toa hàng cứu trợ của báo đã ra kịp thời, an toàn để tập kết tại Hà Nội và phân loại để đưa lên với đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đây cũng là hoạt động nhân văn, kịp thời của VNR.
Ông Trương Thanh Hiếu - Phó Trưởng ga Giáp Bát, nơi toa hàng từ thiện của Báo Công lý tập kết đã đánh giá cao về công tác chủ động, kịp thời của báo. “Báo Công lý là một trong những đơn vị đầu tiên liên hệ với chúng tôi việc vận chuyển hàng hoá cứu trợ. Báo luôn sát sao trong thời gian hàng về, chủ động phương án vận chuyển, dồn toa để các mặt hàng đến tay bà con sớm nhất.”
Tại trụ sở báo, tất cả phóng viên, người lao động, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng không kể ngày đêm để cùng nhau phân loại những đồ dùng, vật dụng thiết yếu để mang tới cho bà con ở những vùng vẫn còn bị cô lập.
Không chỉ tiếp nhận thông tin những vùng người dân cần hỗ trợ qua MTTQ mà Báo Công lý đã đến từng bản, vào tận nơi và đưa đến tận tay bà con những nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm.
Ngay khi một đội đang phân loại các đồ dùng thì ngay lập tức đã có một tổ công tác lên đường và mang theo 1 tấn nhu yếu phẩm lên với bà con thuộc xã Nậm Khánh, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để cứu trợ. Từ những lời kể trực tiếp của đoàn công tác, chúng tôi mới thấy còn quá nhiều nơi cần sự giúp đỡ. Và khó khăn mấy chúng tôi cũng quyết tâm để trao tận tay tới đồng bào những phần hỗ trợ quý giá.
“Ngày thứ 3 (17/9), hơn 20 tấn hàng hoá do người dân TP HCM góp tặng thông qua VPPN Báo Công lý đã ra tới Hà Nội và được chuyển về Trụ sở Báo Công lý tại Hà Nội. Cùng lúc đó, chúng tôi nhận tin có 1 bản trên Bắc Hà, Lào Cai bị cô lập đang cần hỗ trợ, ngay lập tức nhóm PV Công lý mang theo hơn 1 tấn nhu yếu phẩm lập tức lên đường.
Từ trung tâm huyện Bắc Hà, chúng tôi nhận tin tất cả các thôn bản thuộc xã Nậm Khánh vẫn đang bị cô lập, nơi nào có thể vào được thì cũng chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, nhiều nơi phải đi bộ. Chúng tôi quyết định chuyển hướng vào Nậm Khánh. Khi quyết định đi, cũng lường trước cung đường sẽ rất nguy hiểm nhưng thực tế vượt sức tưởng tượng. Đường sạt lở khắp nơi, sình lầy, nước tuôn xối xả từ đỉnh núi, một bên là vực sâu, nhiều đoạn đường khoét hàm ếch sâu hoắm.
Nhà bào Đan Hà – VPPN Báo Công lý chia sẻ: “Tôi vốn là một tay lái nhiều kinh nghiệm đường đèo, tự tin vào bản lĩnh lái xe, nhưng hôm nay đã thật sự cảm thấy căng thẳng khi chỉ phải cầm lái vượt qua hơn 20km đường vào Nậm Khánh. Hết nguyên một buổi sáng, vừa đi, vừa dừng lại khuân đá, khuân gỗ, cuốc đất sửa đường, chúng tôi cũng tới nơi. Hơn 1 tấn hàng, dự định cho người dân 17 hộ của 1 bản nhỏ, nay phải chia ra cho 80 hộ dân và cô trò trường mẫu giáo Nậm Khánh với 120 cháu, quả thực như muối bỏ bể”.
Những cuộc điện thoại liên tục được kết nối về Hà Nội, một quyết định nhanh chóng được đưa ra, 5 tấn hàng chuyển lên Nậm Khánh ngay trong đêm. Viettel Post hỗ trợ chuyển hàng. Và giờ đây, chúng tôi đang nghỉ chân ở UBND xã Nậm Đét để chờ chuyến hàng đêm nay lên, sáng mai sẽ lại quay vào bản để đưa tận tay đến với bà con.”
Xin được lấy những cảm xúc của thành viên trong đoàn để kết thúc bài viết. Vì đó là những điều chân thật nhất, những cảm xúc mạnh mẽ nhất thúc giục chính chúng tôi, những phóng viên, người lao động báo Công lý hoàn thành tốt vai trò của mình. Đó là phản ánh chân thật, từ thiện đúng chỗ. Còn với bạn đọc của Báo Công lý, chúng tôi muốn từ những cảm xúc này để gửi đến lời nhắn nhủ: “Thiên tai có thể tàn phá, nhưng người dân Việt Nam, bằng ý chí kiên cường và sự đoàn kết, luôn biết cách chống chọi và vượt qua mọi thử thách.”
Để có được sự vận chuyển kịp thời cho các chuyến hàng cứu trợ đến bà con vùng lũ, Báo Công lý trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị:
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)
Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ vận tải Ngọc Huy
Thực hiện Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.