Phóng sự - Ghi chép

Nhức nhối nạn buôn người

Tuấn Lê 12/07/2023 - 06:19

Lào Cai từ lâu đã được biết đến như một trong những cửa ngõ giao thương lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với đường biên giới dài hơn 182km, toàn rừng núi thâm u, địa hình hiểm trở lại tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nên mấy năm gần đây, bọn tội phạm buôn người luôn xem vùng đất giáp biên này là địa bàn hoạt động lý tưởng.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số

Hành vi mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ không chỉ xâm phạm nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người, coi phụ nữ như món hàng đem ra trao đổi, mua bán mà còn để lại những hậu quả đau lòng, những vết sẹo khó lành đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân và nỗi đau nhức nhối với toàn xã hội.

Chỉ vì hám lợi trước mắt, muốn có tiền tiêu xài nhưng lại lười lao động, một số đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn lừa gạt nạn nhân mà chủ yếu là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để bán họ sang biên giới. Chúng đã bất chấp lương tâm, tình người, đẩy những cô gái đáng thương vào bi kịch.

Có một thực tế, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người ở Lào Cai chủ yếu là những cô gái trẻ ở nhiều xã bản khác nhau, đặc biệt là ở một số huyện vùng cao biên giới. Phần lớn nạn nhân là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết còn hạn chế. Chỉ vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, có cuộc sống tốt hơn, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, họ đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt ở phía bên kia biên giới, để rồi từ đó từng bước sa chân vào cái bẫy của bọn buôn người.

anh-bai-nhuc-nhoi-nan-buon-nguoi-1.jpg
Các cơ quan ban ngành tỉnh Lào Cai tăng cường tuyên truyền về tội phạm mua bán người

Tính từ năm 2012-2022, chỉ riêng lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã đề nghị các lực lượng chức năng của Trung Quốc, Myanmar tiến hành giải cứu 40 bị hại; giải cứu khu vực nội địa 4 bị hại; tiếp nhận bàn giao của công an các nước 368 nạn nhân.

Cũng trong giai đoạn này, Lào Cai đã khởi tố 222 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với 402 bị can và 456 nạn nhân bị mua bán.

Điểm chung của các vụ việc trên là tội phạm mua bán người có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, người môi giới, dẫn dắt. Những thủ đoạn chủ yếu của bọn buôn người đó là rủ đi làm ăn xa, buôn bán gần biên giới; hứa hẹn việc nhẹ lương cao; rủ đi xuất khẩu lao động; giả vờ yêu để lừa bán qua biên giới; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; nhận con nuôi; rủ nhau đi chơi, đi mua sắm, bắt cóc, đánh thuốc mê...

Sau khi bị lừa bán, các nạn nhân thường bị ép lấy chồng già, sức khỏe yếu, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa; bị ép phục vụ tình dục cho nhiều người trong gia đình; bị bán làm gái mại dâm, làm nô lệ tình dục; bị ép làm việc không lương, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập; sức khỏe suy giảm, có thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; bị lấy nội tạng hoặc thành vật thí nghiệm trong các chương trình vô nhân đạo; bị truy đuổi và phạt vì cư trú trái phép; phải sống trong lo âu, sợ hãi, bị cấm liên lạc với gia đình, người thân và ít có cơ hội trở về quê hương...

Muôn vàn loại “bẫy”

Một ngày mùa đông năm 2011, chị Thào Thị T. ở xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) bế đứa con 6 tháng tuổi lên rừng kiếm củi thì gặp một người đàn ông đứng tuổi, hắn hỏi chuyện chị như quen biết từ bao giờ. Rồi sau đó hắn nhiều lần đến tận nhà chị để dỗ ngon ngọt, vẽ ra cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới với việc nhẹ, lương cao. Cả tin, chị T. đã đi theo người đàn ông kia và bị bán sang Trung Quốc.

Kể từ đó, chị T. bắt đầu phải sống những tháng ngày tủi nhục nơi đất khách. Chị bị đánh đập, bị bóc lột sức lao động... Thế nhưng, chị đã may mắn hơn nhiều nạn nhân khác, bởi chỉ 1 năm sau khi bị lừa bán, lợi dụng sơ hở của chủ nhà, chị đã trốn thoát. Trên đường chạy trốn, chị được nhiều người tốt giúp đỡ. Khi đặt chân đến Việt Nam, chị được lực lượng chức năng đưa về nhà.

Bản thân từng là nạn nhân, không muốn phụ nữ trong thôn, trong xã “dính bẫy” bọn mua, bán người, thời gian gần đây, chị T. bắt đầu tham gia phong trào của Hội phụ nữ xã để tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua, bán người. Dù không biết chữ, nhưng bằng câu chuyện mình từng trải qua, những buổi tuyên truyền mà chị T. tham gia rất hiệu quả, góp phần ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương rồi vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.

Không chỉ lừa phỉnh các nạn nhân bằng chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng mua bán người ở Lào Cai còn nhắm đến những thiếu nữ người dân tộc thiểu số bằng cách tiếp cận, làm quen, tán tỉnh rồi rủ đi chơi. Nữ sinh Lò Thị G., ở Bắc Hà là một trong số rất nhiều nạn nhân đã bị sập vào cái “bẫy” tưởng chừng như đơn giản ấy.

G. kể, cách đây vài năm, khi em đang học lớp 10 thì có quen qua Facebook một bạn nam lớp 11 cùng trường. Ngày 6/2/2017, người bạn đó rủ G. đi chợ Cốc Lếu ở TP.Lào Cai. Chưa từng biết khu chợ này, nên G. háo hức nhận lời.

Sau khi dạo chợ, người bạn nói đưa G. về bằng đường tắt. G. hoảng sợ khi thấy càng đi càng vào sâu trong đồi vắng. “Lúc ấy tầm 7 giờ tối, nó giao em cho hai người đàn ông lạ. Em van xin nó đừng bán em, muốn bao nhiêu tiền về nhà bố mẹ em sẽ trả. Nhưng nó lạnh lùng bỏ đi...”, G. kể.

Khi đã sang đến địa phận Trung Quốc, nhóm người kia tiếp tục đưa G. đi sâu vào nội địa. Mấy hôm sau, cả nhóm gặp một thanh niên Việt Nam trong đường dây chờ sẵn. Khi nghe G. khóc và kể lể sự tình, anh ta thắc mắc: “Con bé này không muốn đi, sao đưa nó qua đây?”. Mấy người kia nói: “Thôi lỡ rồi, bán nó đi, lấy 10.000 nhân dân tệ”. Bất ngờ, thanh niên người Việt Nam nói trên đã bỏ tiền chuộc G. Anh ta tiết lộ quê mình ở Điện Biên, từng là sinh viên và có đứa em gái cũng rơi vào hoàn cảnh bị lừa bán như G.

“Anh ấy trách em có ăn học, hiểu biết sao để người ta lừa bán thế này rồi dặn về nhà đừng quá tin ai, kể cả họ hàng, bạn thân”, G. chia sẻ. Sau khi trở về Việt Nam, G. đã làm đơn tố giác người bạn học đã từng lừa bán mình...

anh-bai-nhuc-nhoi-nan-buon-nguoi-2.jpg
Các nạn nhân được học tập vui vẻ tại Nhà nhân ái

Xoa dịu những nỗi đau

Câu chuyện của Thào Thị T. và Lò Thị G. cũng phản ánh một thực trạng đã và đang tồn tại một số xã bản vùng sâu vùng xa, biên giới của tỉnh Lào Cai. Đó là mặc dù các cơ quan chức năng tích cực đấu tranh kết hợp với vận động, tuyên truyền, song vẫn có rất nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số, chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, lại khao khát cuộc sống sung túc một cách mù quáng mà dễ dàng sập bẫy của bọn buôn người. Cái kết của các cô phải nhận phần lớn là chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục, ê chề.

Nắm được tâm lý muốn hưởng cuộc sống sung túc, đủ đầy của những sơn dân, sơn nữ, bọn tội phạm mua bán người luôn dùng những lời ngon ngọt, hứa hẹn về một công việc nhàn tản, với mức thu nhập hết sức hấp dẫn để mồi chài. Chúng bất chấp mọi thủ đoạn hòng đưa “con mồi” vào tròng.

Ngày “thoát ly” quê hương, các nạn nhân đều ngập tràn hi vọng về một tương lai tươi sáng. Nhưng đến khi bị bán đi và lưu lạc nơi xứ người, ước mơ cũng chính là mục đích sống duy nhất của họ là có thể trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Và ngay cả khi đã may mắn trốn thoát, trở về Việt Nam thì phần lớn các nạn nhân đều bị ảnh hưởng rất lớn về thể chất cũng như tinh thần. Đặc biệt là tự ti, khó hòa nhập với cộng đồng.

Để hỗ trợ nạn nhân trở về cuộc sống bình thường, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ việc tạo mái ấm tạm thời trong giai đoạn đầu, tư vấn pháp lý, khám chữa bệnh đến đào tạo nghề.

Hiện, Lào Cai có 2 cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Nhà nhân ái. Trong đó, Nhà nhân ái do Tổ chức Vòng tay Thái Bình của Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí xây dựng, tỉnh Lào Cai đối ứng đất, nhân lực quản lý.

Các cơ sở tiếp nhận có đầy đủ các phòng chức năng, điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo việc tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người. Nhờ đó, tất cả nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ theo đúng quy định, được sắp xếp chỗ ăn, ở an toàn, được chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, được chuyển tuyến về gia đình hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân an toàn. Những việc làm ý nghĩa và đầy tính nhân văn ấy không chỉ giúp các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng mà còn phần nào giúp họ xoa dịu những nỗi đau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối nạn buôn người