Phóng sự - Ghi chép

Sức sống mới nơi biên viễn

N. Hoàng 31/03/2025 - 08:47

Rơ Măm là một trong 3 dân tộc thiểu số ít người nhất Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 2019 thì hiện dân tộc này có khoảng gần 690 người/186 hộ và sống tập trung chủ yếu ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tuy với số lượng dân ít ỏi là vậy, song người Rơ Măm góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo vùng biên giới Mô Rai.

anh-bai-suc-song-moi-noi-bien-vien-1.jpg
Già A Ren: “Người Rơ Măm có rất nhiều phong tục, tập quán đặc sắc”.

Dần xóa bỏ thói quen “phát, đốt, chọc, trỉa”

Dân tộc Rơ Măm đứng thứ ba trong số những dân tộc có dân số ít nhất ở Việt Nam (chỉ cao hơn dân tộc Brâu và Ơ Đu) và sống tập trung ở khu vực nông thôn tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Đời sống sinh hoạt của người Rơ Măm trước đây có nhiều nét riêng biệt so với các dân tộc thiểu số khác. Về hình thái cư trú cổ truyền, người Rơ Măm vẫn tụ cư thành làng, nhưng làng được bố trí theo hình bầu dục, có nhiều cổng, một cổng chính mở ra hướng Bắc. Nhà Rông được dựng ở giữa làng. Quần tụ quanh nhà Rông là nhà ở làm theo kiểu nhà sàn dài của các gia đình theo song hệ.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Rơ Măm có loại váy quấn và áo cộc tay. Nam giới có khố, áo, tấm choàng. Người Rơ Măm không có tập quán tạo màu cho nền trang phục, thế nên các loại váy, áo, khố, tấm choàng... của họ phần lớn đều được làm bằng vải mộc.

Về ẩm thực truyền thống, lương thực chính của người Rơ Măm là gạo nếp, còn các loại khác như gạo tẻ, ngô, kê, khoai,.. chỉ là lương thực phụ. Thức uống thường ngày là nước lã, khi cử hành nghi lễ hoặc lúc sum vầy thì có rượu cần.

Ngày nay, cùng với lúa rẫy thì người Rơ Măm đã biết trồng lúa nước, nhưng trong các bữa cơm của các gia đình thì cơm nếp nấu trong ống tre, nứa vẫn là một món không thể thiếu được ăn cùng với canh, muối ớt.

Những khi rảnh rỗi hoặc ở trên rẫy hoặc ở nhà, người Rơ Măm vẫn thích nấu các loại thức ăn trong ống tre, nứa bởi theo quan niệm như vậy thức ăn sẽ có vị đậm đà, thơm của núi rừng. Nếu như ngày xưa, cồng chiêng và lúa được coi là tài sản thể hiện sự giàu có của các gia đình thì ngày nay người Rơ Măm đã có quan niệm khác. Nhà nào có nhiều trâu bò, nhiều ruộng lúa nước, nhiều rẫy cao su, bời lời… mới là giàu có.

Trong đời sống, dân tộc Rơ Măm có nhiều nghi lễ liên quan đến sức khỏe con người. Cộng đồng đã tích lũy được những kinh nghiệm sử dụng thảo mộc tự nhiên để phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Mặc dù vậy, mỗi khi sử dụng cây thuốc đều phải thực hành nghi lễ theo luật tục vì tin rằng có thần ngự trị trong đó.

Hoạt động kinh tế truyền thống của người Rơ Măm chủ yếu là trồng trọt trên rẫy, theo quy trình sản xuất thô sơ “phát, đốt, chọc, trỉa”. Bên cạnh trồng trọt, dân tộc này còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động khác như hái lượm và săn bắt trong rừng, làm các nghề thủ công như dệt vải, đan lát, rèn, đánh bắt cá và các loài nhuyễn thể.

Hoạt động kinh tế đa dạng không chỉ tạo ra được nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu tự cấp, tự túc trong làng, mà còn đem trao đổi với các làng láng giềng và mở rộng trao đổi sang bên kia biên giới Việt Nam - Campuchia.

anh-bai-suc-song-moi-noi-bien-vien-2.jpg
Người Rơ Măm rất giỏi trong việc đan lát

Đời sống kinh tế khởi sắc

Những năm trước, do đặc thù vùng sâu, vùng xa, biên giới nên đường giao thông đến xã Sa Thầy vô cùng khó khăn, cách trở. Người dân địa phương hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy, tự cung, tự cấp nên đời sống rất khó khăn, thiếu thốn…

Vài năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã tăng cường quan tâm thực hiện nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ đối với các dân tộc thiểu số rất người, nên đã giúp cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới phát triển, theo đó đời sống của các dân tộc thiểu số, trong đó có người Rơ Măm ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum cũng được cải thiện rõ rệt.

Ông A Thái, Trưởng làng Le cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho bà con bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn; mua cồng chiêng; sắm trang thiết bị trong nhà rông như ti vi, âm ly, tủ, kệ... Đến nay, đội văn nghệ của làng duy trì sinh hoạt, đem lại lời ca, tiếng hát cho bà con trong những ngày hội thêm đầm ấm.

Bên cạnh việc hỗ trợ bà con bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Nhà nước còn hỗ trợ hàng trăm con bò sinh sản, hàng vạn cây giống, rồi hàng tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và tổ chức đoàn tham quan, học tập mô hình sản xuất tại một số tỉnh bạn cho người dân làng Le học tập.

“Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, đến nay, đời sống tinh thần và vật chất của bà con đã có nhiều tiến bộ. Khi cuộc sống đã có của ăn, của để, thì người dân mới có điều kiện để chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình tốt lên. Không kể những lúc lễ hội của làng, mà tất cả những lễ hội của đất nước, của địa phương, dân làng đều tổ chức múa xoang, đánh cồng chiêng dưới mái nhà rông của làng”, ông A Thái tâm sự.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, việc hỗ trợ cho bà con dân tộc Rơ Măm ở làng Le đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân. Ngoài ra, Nhà nước đã hỗ trợ bà con bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc để nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào.

anh-bai-suc-song-moi-noi-bien-vien-3.jpg
Không chỉ làm rẫy, giờ người Rơ Măm đã biết trồng lúa nước và các loại cây cho thu nhập cao...

Giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống

Già A Blong ở làng Le chia sẻ, đến giờ có rất nhiều lễ hội được coi là những nét văn hóa đặc sắc nhất vẫn còn được người Rơ Măm duy trì đến ngày nay. Trong đó có 3 lễ hội quan trọng nhất là: chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng mừng lúa mới.

Lễ hội chọc tỉa (theo tiếng Rơ Măm là Et Choi) được diễn ra khi các gia đình chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các gia đình mà mở lễ to hay nhỏ.

Nhà nào có điều kiện kinh tế khá giả thì thịt 1 trâu, nếu không có thì thịt một con heo, vài con gà để cúng Giàng, cầu mong Giàng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đến khi lúa chuẩn bị trổ bông, các gia đình làm một cái lễ đơn giản (còn được gọi là Et Arah) để cúng Giàng, cảm ơn về quãng thời gian qua Giàng đã phù hộ để cây lúa, cây bắp lên tốt và cầu mong Giàng tiếp tục phù hộ để có một mùa rẫy bội thu.

Còn Lễ cúng mừng lúa mới (hay còn gọi là Et Nhu) là một trong những lễ hội to nhất trong một năm của người Rơ Măm. Lễ được diễn ra khi việc thu hoạch của người dân đã diễn ra xong xuôi và chuẩn bị đưa lúa xuống kho.

Đây cũng được xem là Tết của người Rơ Măm. Mỗi gia đình thường đập thịt trâu hoặc mổ lợn rồi mời cả dân làng đến chung vui. Tất cả mọi người cùng ăn, cùng uống rượu rồi cùng nối vòng xoang, ca hát, nhảy múa mừng cho chủ nhà.

Cùng với lễ hội thì tục lệ ma chay cũng được người Rơ Măm lưu giữ. Khi có người chết, thì gia đình sẽ đánh chiêng để thông báo với dân làng rồi mổ 1 con trâu, con bò để cúng người chết và dân làng đến ăn, sau 1-2 ngày thì đưa đi chôn.

Nghĩa địa của người Rơ Mâm luôn nằm về phía Tây của làng bởi theo quan niệm nếu đặt về hướng Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo sẽ không tốt, các ngôi mộ được sắp xếp có trật tự, khi chôn, tránh để người dưới mộ “nhìn” về phía làng. Sự khác biệt là ngày nay, người Rơ Măm không còn tục lệ chôn chung người chết trong một gia đình như trước đây.

Người Rơ Măm trước đây còn rất nhiều nét văn hóa độc đáo, nhưng cùng với thời gian, sự tác động của thế giới bên ngoài, nhiều nét văn hóa đang dần bị mai một. Điều mà nhiều người già trăn trở nhất là thế hệ trẻ ngày càng xa rời và lãng quên dần những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: dệt vải, may quần áo của dân tộc, đánh chiêng, múa xoang…

Vì là người bản địa sống từ lâu đời trên vùng biên giới Mo Rai nên tộc người Rơ Măm rất coi trọng việc thờ cúng cho những người đã khuất. Trong làng, già A Ren được dân làng mệnh danh là người bắc chiếc cầu tâm linh. Các lễ nghi và tạc tượng nhà mồ đều do A Ren tự tay làm để phục vụ việc thờ cúng.

“Xưa nay, đồng bào Rơ Măm vẫn xem nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân là “vùng đất thiêng”, hay còn gọi là “làng ma”. Nét độc đáo của “làng ma” là sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Đặc biệt, dịp cuối năm hay lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả), bà con có tập tục tu bổ, sửa sang lại những phần mộ của cha ông. Lúc đó, họ lại tạc tượng gỗ nhằm bảo vệ linh hồn cho những người đã khuất”, già A Ren chia sẻ.

Có thể nói, qua nhiều thế hệ sinh sống trên vùng đất Mô Rai, tuy người Rơ Măm tuy chỉ có vài trăm người nhưng họ cũng đã có những đóng góp tích cực trong tiến trình khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, họ còn đóng góp làm cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt thêm phong phú. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Rơ Măm sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới nơi biên viễn