Nhu cầu tìm mua nhà đi xuống trên chợ online, giao dịch trực tiếp ở thị trường thứ cấp cũng chững lại và xuất hiện nhà đầu tư căn hộ cắt lỗ.
Báo cáo thị trường tháng 4/2022 của Batdongsan cho biết, tháng vừa qua, nhu cầu tìm kiếm thông tin nhà riêng giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức độ quan tâm đất nền bán trên cả nước giảm 18% so với tháng 3 và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tại Hà Nội, dù lượng tin đăng tăng tới 35% nhưng lượng quan tâm đến phân khúc này ghi nhận giảm 14%. Còn tại TP HCM, lượng tin đăng bán đất tăng 11% nhưng mức độ quan tâm cũng giảm tới 11%.
Khu vực phía Bắc, đất nền chào bán tại Quảng Ninh và Hưng Yên lần lượt ghi nhận sự sụt giảm lượt tìm kiếm là 24% và 26% so với tháng 3 trước đó.
Các thị trường nóng về đất nền là Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa đều rơi vào tình trạng giảm nhiệt cả về lượng tin rao và nhu cầu giao dịch.
Với các thị trường phía Nam, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận giảm 19%, lượng tin rao bán giảm 10% so với tháng trước.
Bình Dương cũng có nhu cầu mua và rao bán đất nền giảm lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm mua đất nền Đồng Nai và Long An cùng giảm 12% so với tháng trước.
Tình trạng nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư đất đai đã không còn, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng dâng cao. Dù chưa diễn ra tình trạng bán tháo, nhưng lệch pha cung - cầu xuất hiện khi người bán nhiều, người mua dần vắng bóng.
Diễn biến này cho thấy thị trường tài sản có biến động tâm lý nhanh chóng vì cuối quý I, lượt tìm kiếm đất nền trên cả nước vẫn tăng 4%.
Nhu cầu địa ốc có xu hướng giảm nhiệt do táng qua, các thông tin về vi phạm của các doanh nghiệp bất động sản lớn cùng với việc cơ quan quản lý siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô, bán nền khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản thận trọng hơn.
Ngoài ra, mặt bằng giá đang bị đẩy lên cao khi thị trường TP HCM xuất hiện nhiều thông tin định hướng phát triển các huyện ngoại thành lên quận. Việc một số địa phương dừng cấp phép hoạt động tách thửa khiến nguồn cung đất nền sụt giảm mạnh có thể tác động đến lượng tiêu thụ sụt giảm theo.
Trước đó, thị trường căn hộ cũng ghi nhận thanh khoản yếu. Quý I, toàn thành phố bán được 1.385 căn trong rổ hàng mới, giảm 68% so với lượng tiêu thụ quý IV/2021 (đạt 4.344 căn) và giảm gần 30% so với quý I/2021 (bán được 1.960 căn). Sức tiêu thụ nhà chung cư trong quý đầu năm nay thậm chí kém hơn cả giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh hồi năm ngoái.
Tương tự, báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết lượng căn hộ tiêu thụ trong quý đầu năm tại TP HCM chỉ đạt khoảng 1.247 căn, sụt 78% so với quý trước và rớt 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, những tín hiệu giảm tốc vừa mới xuất hiện cần được qua tâm cảnh báo sớm. Tính đến tháng 5 vẫn chưa xảy ra tình trạng giảm tốc kéo dài nên cần tiếp tục theo dõi trong thời gian còn lại của quý II để xác định xu hướng chung của thị trường thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, bất động sản đang chịu nhiều sức ép về pháp lý, siết tín dụng, thanh khoản thấp nên các bên tham gia thị trường đều bắt đầu thận trọng hơn.