Hôm nay (4/1), NHNN chính thức cho triển khai cơ chế tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam (VND) với dollar Mỹ (USD), tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác.
Việc công bố tỷ giá trung tâm nhằm góp phần nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối
Theo đó, hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD. Tỷ giá này sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của VND với USD.
Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc đưa ra tỷ giá trung tâm (tỷ giá chính thức cuối ngày hôm trước vào giờ chốt giao dịch cộng với một biên độ sẽ được lấy làm tỷ giá giao dịch của ngày hôm sau) sẽ giúp việc điều hành tỷ giá được linh hoạt hơn nhưng vẫn giữ được sự ổn định của thị trường.
Trên thực tế, NHNN trong suốt mấy năm qua cũng đã cố gắng thực hiện cơ chế này, thông qua việc xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động quanh tỷ giá này, ban đầu là tương đối nhỏ (1%) rồi sau phải nới rộng ra (đến 3%). Tỷ giá VND ít có biến động so với tỷ giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới nhưng chưa bao giờ được cố định/ấn định ở mức bất biến. Mỗi năm ít nhất cũng bị phá giá từ 1% đến hơn 5%.
Do vậy, về thực chất, cơ chế tỷ giá mới dựa trên tỷ giá trung tâm chỉ là sự mở rộng cơ chế tỷ giá cũ, cho phép tỷ giá biến động với tần suất lớn hơn (hàng ngày) nhưng ở mức độ nhỏ hơn, không tạo ra những cú sốc lớn, thay vì chế độ “neo” tỷ giá để rồi mỗi lần phải điều chỉnh thì sẽ phải điều chỉnh ở mức lớn như trước đây.