Bất động sản

Nhiều “ông lớn” bất động sản bị bêu tên vì dây dưa thuế với Nhà nước

Phi Hùng 09/05/2024 14:09

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản và kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỉ đồng, trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước khoảng 490 tỉ đồng, xử lý tài chính khác gần 1.000 tỉ đồng.

Thông tin đáng chú ý này được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

“Bắt” được nhiều vi phạm của doanh nghiệp qua thanh tra

Về kết luận thanh tra (KLTT) tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản (BĐS) mà Bộ Tài chính thực hiện có 13 KLTT tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh BĐS và 06 KLTT có nội dung kiến nghị đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính.

tru-so-34-hai-ba-trung-nam-2020-1644899451.jpg
Hadinco được xác định vẫn còn nợ hơn 731 tỉ đồng tiền thuế với Nhà nước

Trong 19 KLTT có liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, Bộ Tài chính đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng.

Cụ thể, về cơ chế, chính sách chung, kiến nghị giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác đền bù GPMB; công tác lập và phê duyệt dự toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng tránh ứ đọng gây lãng phí nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư còn dở dang đã phát sinh chi phí nhưng chưa được nghiệm thu, thanh toán để tránh tồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và phát sinh tăng chi phí; làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác định chính xác tiền thu sử dụng đất phải nộp, ký hợp đồng thuê đất với các lô đất đã hết hợp đồng thuê...

Về chính sách thuế và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách, qua thanh tra, Bộ Tài chính chỉ ra việc xác định chưa đúng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của dự án kinh doanh BĐS; kê khai giá chuyển nhượng đất trên hợp đồng thấp hơn đơn giá đất do UBND tỉnh (thành phố) quy định; tiền thu theo tiến độ ghi trên hợp đồng nhưng chưa xuất hóa đơn GTGT; kê khai và nộp kịp thuế GTGT đối với doanh thu chuyển nhượng BĐS đã đủ điêu kiện bàn giao...;

Chưa kê khai số tiền thuế tạm nộp của các căn hộ thu tiền theo tiến độ; Ghi nhận thiếu doanh thu, thu nhập chịu thuế TNDN đối với các căn hộ đã bàn giao trong năm; Phân bổ giá vốn chuyển nhượng BĐS chưa đúng quy định; kê khai sai thuế suất được ưu đãi của hoạt động kinh doanh BĐS khác vào chung với hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội được ưu đãi thuế TNDN; Kê khai thiếu thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng BĐS các cá nhân chuyển nhượng lại...

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.000 tỷ đồng

Về kết quả thực hiện các kết luận, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động kinh doanh BĐS, qua rà soát theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2023, tình hình thực hiện các kết luận thanh tại 19 đơn vị như sau:

Tại 13 kết luận thanh tra tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh BĐS. Tổng số tiền được kiến nghị xử lý qua thanh tra là 1.182,8 tỷ đồng, trong đó: kiến nghị thu nộp vào NSNN là 255,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác là 999,8 tỷ đồng.

kcn-sonadezi-8a489.jpg
Sonadezi được xác định còn nợ 16,7 tỉ đồng tiền thuế với Nhà nước.

Đáng chú ý, nhóm các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính có tên những “ông lớn” trong ngành BĐS như: Tổng Công ty sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Hadinco), Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng Công ty IDICO, Tổng Công ty CP phát triển hạ tầng khu công nghiệp (Sonadezi), Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex Bình Dương), Tổng Công ty Viglacera.

Bộ Tài chính cho biết, đến nay về cơ bản các đơn vị đã chấp hành thực hiện tốt các kiến nghị về tài chính và thu nộp ngân sách. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện các kiến nghị do vướng mắc về việc xác định giá trị tiền sử dụng đất, liên quan đến việc phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản...dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Trong đó tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Hadinco) nợ hơn 731 tỉ đồng, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) nợ 8,2 tỉ đồng, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) nợ 16,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại 6 KLTT có nội dung kiến nghị đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Công ty TNHH Trainco Bình Định, Công ty CP Kosy, Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình 578, Công ty CP bất động sản dầu khí... Tổng hợp kiến nghị về tài chính như sau: Tổng số tiền thuế đã kiến nghị truy thu nộp ngân sách số tiền là 237,4 tỷ đồng (chủ yếu trong việc kê khai và nộp thiếu các loại thuế như: thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi...).

crawl-20220523145216842.jpg
Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị cũng bị xác định còn nợ 8,2 tỷ đồng tiền thuế với Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm 31/12/2023, các đơn vị và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh BĐS được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị (nộp ngân sách trên 236 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2015- 2023, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã tiếp nhận 179 vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nhà, đất, tài sản công, GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất ... Theo đó, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị thuộc Bộ xử lý (Cục Quản lý Công sản chù trì xem xét, xử lý 58 vụ việc; Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì xem xét, xử lý 02 vụ việc); đã xử lý chuyển 59 vụ việc thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của ủy ban nhân dân các cấp; đủ điều kiện lưu hồ sơ 60 vụ việc.

Kết nối thông tin với Bộ Xây dựng để chống thất thu thuế

Ngày 14/03/2022, Bộ Tài chính đã ban hành kèm theo Quyết định số 292/QĐ-BTC về việc phê duyệt, tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS”. Trong các giải pháp đề ra đã có giải pháp về việc trao đổi thông tin với Bộ Xây dựng về quản lý nhà ở, thị trường BĐS.

Thực hiện giải pháp tại Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) có công văn số 3763/TCT-DNNCN ngày 30/9/2021 đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố báo cáo về thực trạng và nhu cầu trao đổi thông tin với Bộ Xây dựng. Ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về khảo sát nhu cầu trao đổi thông tin quản lý nhà ở và thị trường BĐS. Ngày 13/6/2023, Tổng cục Thuế đã làm việc trực tiếp với Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng về một số nội dung liên quan đến cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS. Ngày 28/12/2023, Tổng cục Thuế đã Tờ trình báo cáo Bộ Tài chính về kết quả khảo sát cơ sở dữ liệu về đất đai, nhà ở và thị trường BĐS, theo đó Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát tại Trung tâm thông tin của Bộ Xây dựng để xây dựng phương án kết nối với cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS với Bộ Xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “ông lớn” bất động sản bị bêu tên vì dây dưa thuế với Nhà nước