Nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất trong vụ đền bù thủy điện Đăkrinh

Minh Quân| 22/05/2017 20:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nhiều mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị cáo và người có nghĩa vụ liên quan tại vụ “Cố ý làm trái” trong đền bù thủy điện Đăkrinh.

Tiếp tục phần xét hỏi trong ngày làm việc thứ 5 xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Có nhiều mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị cáo và người có nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là lãnh đạo UBND huyện và Bí thư Huyện ủy Sơn Tây) tại phiên tòa.

Nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất trong vụ đền bù thủy điện Đăkrinh

Ngày 22/5, HĐXX vụ án liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công dự án Thuỷ điện Đăkđrinh trên địa bàn huyện Sơn Tây tiếp tục tập trung làm rõ việc lãnh đạo huyện có cho chủ trương “quy về chủ cũ” để bồi thường, hỗ trợ cho người dân hay không? Đồng thời, xác định vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thuỷ điện Đăkđrinh như thế nào.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã tập trung xét  hỏi với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nhất là lãnh đạo huyện Sơn Tây để làm rõ các nội dung mà cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo. Tuy nhiên, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trả lời chưa đúng vào trọng tâm các câu hỏi của HĐXX và luật sư nên nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Đặc biệt, có nhiều người là thành viên của Ban chỉ đạo mặc dù đã có giấy triệu tập của Toà án, nhưng vắng mặt không có lý do; cá biệt hơn có nhiều người đến Tòa nhưng không vào trong hội trường xét xử mà chỉ ngồi ở bên ngoài nên làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc xét hỏi của HĐXX, Kiểm sát viên và của các luật sư.

Nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất trong vụ đền bù thủy điện Đăkrinh

Các bị cáo tại phiên tòa

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hà Văn Tiên khai rằng việc thực hiện các phương án bồi thường đều thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo cấp trên. “Tại cuộc họp triển khai công tác đền bù, hỗ trợ tại 2 xã Sơn Liên và Sơn Long bị cáo triển khai việc xác định là quy về chủ cũ. Đối với những trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định của pháp luật thì không thừa nhận, theo ý kiến chỉ đạo của ông Tô Cước (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng bồi thường dự án thủy điện Đăkdrinh - đã chết) và quy về chủ cũ trước đó, mà những ý kiến chỉ đạo này ông Tô Cước bảo rằng đó là chỉ đạo từ Huyện ủy và UBND huyện Sơn Tây đã chỉ đạo với ông Tô Cước trước đó, nên bị cáo làm theo” bị cáo Tiên khai tại phiên tòa.

Tuy nhiên, Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây và ông Phạm Tấn Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây một lần nữa giống như trả lời những câu hỏi trong các ngày xét xử trước đó từ HĐXX khẳng định Huyện ủy và UBND không cho chủ trương “quy về chủ cũ” để bồi thường như lời khai của các bị cáo tại phiên toà mà chỉ chỉ đạo khi thực hiện việc bồi thường thì cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Cũng tại phiên tòa xét xử, ông Trần Đông Phong – Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho rằng: đối với vai trò của bị cáo Nguyễn Vỹ Cường, nguyên cán bộ Địa chính – Xây dựng xã Sơn Liên, theo thực tế bị cáo Cường đi theo tổ công tác của Hội đồng bồi thường để giám sát vận động bà con, cũng như mời các hộ gia đình đến chứ bị cáo Cường không có bất kỳ tài liệu gì như hồ sơ địa chính, biểu mẫu nào cả rồi sau đó ký vào bên bản để trình lên cấp trên.

Cùng với đó, ông Đinh Nguyễn Trân – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Dung cho rằng trong các cuộc họp thì ông nhận được chủ trương là quy về chủ cũ (tức là quy về cho người bán đất) để nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Sau đó, ông họp Ban thường vụ giao lại cho Chủ tịch UBND xã Sơn Dung làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên đã giao và Chủ tịch UBND xã Sơn Dung đã giao lại cho bị cáo Lê Khắc Tâm Anh, nguyên cán bộ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Dung làm theo chỉ đạo này.

Bên cạnh đó, tại phiên tòa xét xử ngày thứ 5, các bị cáo đã đưa ra một số tài liệu, chứng cứ mới có liên quan đến vụ án cho các luật sư bào chữa của mình và đề nghị HĐXX làm rõ.

Như Báo Công lý đã thông tin, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tại các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), Tô Cước (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkdrinh - đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định. Tuy nhiên, Hà Văn Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi.

Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Đồng thời, chỉ đạo các Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăkrinh là Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng trực tiếp triển khai tại các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung.

Bị cáo Tiên và Dũng đã chỉ đạo cho địa chính của 3 xã nói trên là Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt trực tiếp thực hiện chủ trương. Các bị cáo Tiên, Dũng, Tâm Anh, Cường và Việt đều biết rõ chủ trương quy về chủ cũ là xác định không đúng cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Tô Cước dẫn đến làm thiệt hại tài sản của nhà nước với số tiền hơn 26 tỉ đồng.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất trong vụ đền bù thủy điện Đăkrinh