Nhiều lợi thế tăng trưởng đối với ngành dệt may năm 2022

Trang Nhi| 07/01/2022 11:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong trạng thái bình thường mới khi nền kinh tế dần hồi phục, dệt may đang trở lại mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2022.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý III/2021, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021. Ngành đã cán đích thành công khi đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

det-may.jpg
Nhiều lợi thế tăng trưởng đối với ngành dệt may năm 2022

Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng thông báo kết quả kinh doanh ấn tượng, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết doanh thu và thu nhập hợp nhất năm 2021 ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ, vượt 70% kế hoạch năm và cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng đã công bố ghi nhận doanh thu thuần tăng 18%, lên gần 4.977 tỷ đồng và lãi ròng tăng 38%, đạt 214 tỷ đồng.

Kết quả trên cho thấy sự linh hoạt, nhanh chóng thích nghi của doanh nghiệp Việt. Có thể thấy, các doanh nghiệp dệt may luôn nỗ lực duy trì sản xuất, tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để tăng trưởng, làm nên thành quả chung của ngành dệt may.

Nhận định về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2022, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngành này có nhiều lợi thế để tăng trưởng trong năm 2022 như: Lợi thế về chi phí nhân công rẻ và tỷ lệ bao phủ vaccine đang tăng nhanh chóng; các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam, thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU và Mỹ vẫn mở rộng. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc sẽ có tác động tích cực khi Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

VITAS cũng đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I/2022, kịch bản tích cực nhất kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; kịch bản trung bình xuất khẩu đạt 40-41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022; kịch bản kém tích cực nhất là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến sẽ chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lợi thế tăng trưởng đối với ngành dệt may năm 2022