Sau 5 năm nỗ lực tái thiết mạnh mẽ, một buổi lễ mở được tổ chức vào tối thứ Bảy (7/12) để đánh dấu sự trở lại của Nhà thờ Đức Bà Paris, trước khi mở cửa cho công chúng vào Chủ nhật. Sự kiện lịch sử xảy ra sau khi một vụ hỏa hoạn tàn khốc làm hư hại Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Với ba tiếng gõ cửa mang tính biểu tượng của Đức Tổng Giám mục Laurent Ulrich và sự hoan nghênh nhiệt liệt dành cho các anh hùng đã cứu Nhà thờ, sự tái sinh của nhà thờ được đánh dấu bằng một buổi lễ cảm động kéo dài 2 giờ.
Lễ mở cửa Nhà thờ Đức Bà bắt đầu vào 7 giờ tối 7/12 (giờ địa phương) với bài phát biểu ngắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở sân trước Nhà thờ. Ông Macron bày tỏ "lòng biết ơn của dân tộc Pháp" đối với những người làm công việc trùng tu, đạt được với tốc độ đáng kinh ngạc trong 5 năm qua.
Sau đó, Đức Tổng Giám mục Laurent Ulrich chủ trì buổi lễ đầy đủ đầu tiên bên trong Nhà thờ Đức Bà với sự "thức tỉnh" của cây đàn organ 8.000 ống được coi là giọng nói và linh hồn của nhà thờ, lễ cầu nguyện và dàn hợp xướng dưới mái vòm mới của nhà thờ có kiến trúc Gothic 850 năm tuổi này.
Một đoạn phim tài liệu về quá trình tái thiết nhà thờ cũng được trình chiếu. Một trong những khoảnh khắc cảm động nhất là khi lính cứu hỏa trong bộ đồ bảo hộ diễu hành giữa những tràng pháo tay lớn và từ "Merci" ("Cảm ơn") được chiếu trên mặt tiền và tháp chuông nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà.
Buổi lễ kết thúc bằng một buổi hòa nhạc dự kiến được biểu diễn bên ngoài Nhà thờ và truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhưng phải ghi hình trước từ tối thứ Sáu do thời tiết mưa bão.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bà Jill Biden - vợ Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Hoàng tử Anh William cùng công nương Catherine và tỷ phú Elon Musk nằm trong danh sách dài các khách VIP.
Với sự tham dự của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và hàng chục nhà lãnh đạo thế giới khác, Tổng thống Emmanuel Macron đã thành công trong việc biến Paris trở thành "thủ đô của ngoại giao quốc tế".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đứng đầu Giáo hội Công giáo vắng mặt.
Năm năm trước, vào ngày 15/4/2019, một vụ hỏa hoạn đã tàn phá Nhà thờ Đức Bà 860 năm tuổi và là một trong những biểu tượng của nước Pháp. Một nỗ lực tái thiết tiêu tốn khoảng 700 triệu euro (750 triệu USD) đã được tiến hành trong trong thời gian kỷ lục 5 năm mặc dù dự đoán có thể mất nhiều thập kỷ. Trong quá trình đó, Pháp đã nhận được nguồn tài trợ để phục hồi công trình kiến trúc này từ nhiều nơi trên thế giới, ước tính lên đến 843 triệu euro.
Những người tham gia cuộc tái thiết đã phải vượt qua các vấn đề về ô nhiễm chì, dịch Covid-19 và người giám sát dự án đã tử vong khi đi bộ đường dài ở Pyrenees vào năm ngoái.
Có tới 2.000 người gồm các nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc, kỹ sư, nhà khảo cổ học, nhà thiết kế, công nhân… trực tiếp tham gia công cuộc trùng tu. Trong quá trình khôi phục, các nhà khảo cổ cũng khám phá được một kho cổ vật lớn đáng ngạc nhiên.
Sau 5 năm trùng tu, nhà thờ đẹp hơn bao giờ hết, không chỉ vì những chi tiết của công trình bị phá hủy bởi đám cháy đã được hàng ngàn thợ thủ công lành nghề xây dựng lại, mà còn vì những bức tường đá trắng được làm sạch, đồ nội thất mới và hệ thống chiếu sáng hiện đại được lắp đặt như một phần của cuộc đại tu.
Vào Chủ nhật, Thánh lễ đầu tiên do Tổng Giám mục Paris Laurent Ulrich chủ trì với 170 giám mục và hơn 100 linh mục Paris sẽ diễn ra lúc 10h30 sáng (giờ địa phương), tiếp theo là buổi lễ thứ hai vào buổi tối lúc 6h30 chiều sẽ mở cửa cho công chúng và có sự tham dự của Tổng thống Macron.
Khoảng 2.500 vé cho thánh lễ công cộng đã được đặt trước chỉ trong vòng vài giờ vào thứ Ba thông qua ứng dụng điện thoại của Nhà thờ.
Nguyên nhân chính xác của vụ cháy năm 2019 chưa được xác định, mặc dù đã có một cuộc điều tra. Các điều tra viên cho rằng, một tai nạn như lỗi điện là lý do có khả năng xảy ra nhất.