Vụ hỏa hoạn thảm khốc năm 2019 tại Nhà thờ Đức Bà đã dẫn đến những khám phá lớn trong quá trình trùng tu. Các nhà khảo cổ đã khai quật được kho báu có niên đại từ thời cổ đại đến thế kỷ 19.
Một phần khuôn mặt của bức tượng Chúa Kitô bị đóng đinh là một số hiện vật đang được trưng bày tại Musée de Cluny, một bảo tàng nghệ thuật thời trung cổ ở Paris, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm khảo cổ của gần 10 thế kỷ lịch sử. Khoảng 30 mảnh vỡ từ cửa sổ thánh giá Nhà thờ Đức Bà và các bức tượng đá là những tác phẩm đang được trưng bày lần đầu tiên tại đây.
"Chúng tôi nghĩ rằng những tác phẩm này đã bị mất mãi mãi", Giám đốc Bảo tàng Séverine Lepape nói khi bà tiết lộ về việc phát hiện ra các tác phẩm điêu khắc có niên đại từ năm 1230 này.
Những di vật khảo cổ này được phát hiện trong các cuộc khai quật được thực hiện trước khi xây dựng lại nhà thờ, sau vụ hỏa hoạn tháng 4/2019.
Khoảng 15 tác phẩm điêu khắc thời trung cổ đã được khai quật trong quá trình cải tạo vào thế kỷ 19 do kiến trúc sư người Pháp Eugène Viollet-le-Duc (1814-1879) giám sát.
Các cuộc khai quật gần đây sau vụ hỏa hoạn năm 2019 đã phát hiện ra khoảng 1.000 di vật khảo cổ, bao gồm 700 mảnh vỡ, một số trong đó có dấu vết đa sắc được bảo quản tốt.
Những vệt màu sắc tinh tế tô điểm cho những hiện vật mỏng manh này gồm đỏ, xanh, đất son và vàng. "Kính màu thánh giá là một khám phá đặc biệt; những thứ như vậy bạn chỉ tìm thấy một trăm năm một lần. Khi chúng tôi tìm thấy một tác phẩm điêu khắc từ thế kỷ 13, chúng tôi rất vui, nhưng khi chúng tôi tìm thấy 1.000 tác phẩm, điều đó thật không thể tin được", nhà khảo cổ học Christophe Besnier thuộc Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Phòng ngừa Quốc gia Pháp (INRAP) cho biết.
Trước vụ hỏa hoạn, có rất ít cơ hội để nghiên cứu nhà thờ này. Trong quá trình phục hồi triệt để bắt đầu từ năm 1843 do kiến trúc sư Viollet-le-Duc giám sát, vị kiến trúc sư này đã ghi lại những gì ông quan sát được trong cuốn nhật ký của mình. Nhưng mãi đến năm 1847, một chiến dịch khai quật mới được kiến trúc sư, nhà khảo cổ học Théodore Vacquer thực hiện ở rìa phía Đông bên dưới quảng trường trước Nhà thờ Đức Bà. Việc xây dựng một bãi đậu xe dưới quảng trường vào những năm 1960 cũng giúp phát hiện ra những tàn tích kiến trúc và một hầm mộ chứa hài cốt.
"Từ quan điểm khảo cổ học, khu vực này tương đối không được biết đến, ngoại trừ quảng trường. Nhà thờ Đức Bà được coi là một di tích lịch sử, không phải là một địa điểm khảo cổ", bà Dorothée Chaoui-Derieux, người điều phối tất cả các hoạt động khảo cổ tại Nhà thờ Đức Bà do Nhà nước cho phép từ năm 2019, cho biết.
"Chúng tôi đã thực hiện khoảng 20 hoạt động tìm kiếm hoặc khai quật và đã phát hiện ra gần 2.000 năm lịch sử", bà nói thêm.
Trong quá trình làm việc, đống đổ nát còn sót lại sau vụ cháy cũng được thu gom và kiểm tra cẩn thận. "Đây được coi là di tích khảo cổ mà cộng đồng khoa học hiện có thể tiếp cận được", bà Chaoui-Derieux nói. "Có những chuyên gia về gỗ, đá và kim loại đến khu bảo tồn của chúng tôi để lấy mẫu những vật liệu này. Họ có thể sẽ cho cung cấp thêm chúng tôi những kiến thức về nhà thờ, đặc biệt là về việc xây dựng hoặc về các giai đoạn phục hồi khác nhau. Đó là một nguồn dữ liệu thực sự".
Nhà thờ Đức Bà Paris, kiệt tác kiến trúc Gothic thế kỷ 12, đã bị phá hủy một phần sau trận hỏa hoạn ngày 15/4/2019.
Sau 5 năm trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mở cửa lại vào 7/12. Dự kiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ có mặt trong buổi lễ mở cửa trở lại này. Các biện pháp an ninh vào ngày mở cửa được giới chức Paris thắt chặt như dịp khai mạc Olympic mùa hè vừa qua. Một trong số đó là phong tỏa đảo Ile de la Cité nằm giữa sông Seine, nơi Nhà thờ Đức Bà tọa lạc, không cho du khách tiếp cận.
Ngày 2/12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã thông báo sẽ tới Pháp để dự lễ mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà Paris. Đây là lần đầu tiên ông Trump ra nước ngoài kể từ khi tái đắc cử.