Văn hóa - giải trí

Nhà báo 9X viết tiểu thuyết về đất và người Bắc Bình Định

Kim Sáng 01/12/2023 - 14:53

Sau 3 năm ròng rã đi lượm lặt, ghi chép, xâu chuỗi, nữ nhà báo Mị Dung cho ra mắt đứa con đầu lòng mang tên “Ngẩng mặt nhìn mặt”. Đây là tiểu thuyết viết về đất và người Bắc Bình Định.

Mới đây, tại tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, tác giả Mị Dung ra mắt truyện dài đầu tay “Ngẩng mặt nhìn mặt”. Đây là đứa con tinh thần đầu tiên, được ví như đóa hoa đồng nội mà tác giả muốn dâng hiến cho tình yêu hòa bình của nhân loại.

Tiểu thuyết viết về đất và người Bắc Bình Định, toàn bộ tư liệu được tác giả ròng rã đi lượm lặt, ghi chép, xâu chuỗi từ những người ở cả 2 chiến tuyến, bên thua cuộc và bên thắng cuộc trong suốt 3 năm.

Qua tác phẩm, tác giả mong muốn gửi gắm “tình người” vào dòng văn học của mình. Mỗi câu chữ được chắt lọc, đúc kết từ những ký ức của thế hệ đi trước.

z4931698245341_4a7ba8bc68e01d3ed8c5eaf3f294a07f.jpg
Tác phẩm “Ngẩng mặt nhìn mặt” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV/2023.

Giọng văn dù được kể bằng quan sát, góc nhìn của một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải truyện dài dành cho tuổi mới lớn, vì có tính xã hội rộng.

Tiếp xúc với Mị Dung qua những lần tác nghiệp, trong con mắt của đồng nghiệp, tác giả là người khá hiện đại, bởi vậy khi nghe tin Mị Dung ra mắt sách về chủ đề lịch sử, nhiều người tỏ ra bất ngờ, hào hứng.

Là một nhà phê bình văn học nổi tiếng của đất Bình Định, khi nhận bản thảo của Mị Dung gửi, nhà văn Lê Hoài Lương nhận định: Đây là tiểu thuyết về đất và người Bắc Bình Định. Dù khuôn lại thời điểm trước và sau 1975, những xáo động lớn thời khắc đất nước hòa bình thống nhất, nhưng cách viết in đậm nét phong vị đất và người Bình Định. Có thể gần với tạng tiểu thuyết phong tục. Phải là người yêu quê hương lắm mới viết được thế này. Và nó thành riêng, khác biệt ít có.

z4931862035682_bc29f69efa3d3a1480fa623a94a6bac1.jpg
Buổi ra mắt sách của tác giả Mị Dung được tổ chức tại tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM.

Một cuốn sách đậm đặc đời sống xã hội một thời, đời sống gia đình, những hệ lụy chiến tranh, hậu chiến, về hình thành giới tính... có cao thượng, thấp hèn, có tệ nạn, nỗ lực vươn lên... Dù được kể bằng quan sát một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải là tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn, vì nó có tính xã hội rộng.

Cái nhan đề "Ngẩng mặt nhìn mặt" khá hay. Đó là cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề kể trên, không khoan nhượng. Đôi chỗ quyết liệt đáng khen.

Còn GS.TS Đào Văn Lượng, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một tác giả trẻ, chưa qua cuộc chiến, chưa sống những ngày tháng sau chiến tranh, với cái nhìn ngơ ngác của một thiếu nữ… Sao cô lại có thể có những mô tả tinh tế đến vậy, đời thường và dân dã một cách bản năng đến vậy!

z4931871599950_bc9c51d4f79a075cf6eae27fb904bdff.jpg
Tác giả trẻ Mị Dung.

Nhà văn Nguyễn Trí bộc bạch: "Tôi, tình thật mà nói, nay đã già, thời gian còn lại ít ỏi nên nói còn tiết kiệm từng từ nói chi đọc. Dài hơi mà nhạt hoặc khô thì… nhưng, may quá; tác phẩm của một cô gái mới ngoài ba mươi một chút nầy, cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối.

“Ngẩng mặt nhìn mặt” không chỉ có trăng có rừng có biển có sông có suối… mà còn có nỗi niềm của kẻ thắng người thua, của mặt hoa, mặt người, của âm binh và bội phản… Đọc xong - tôi phong tác giả Mị Dung là nhà văn - vì tôi nghe một hơi hướng rất mạnh mẽ đang một mình một ngựa trên khúc khuỷu gập ghềnh của con đường văn chương", nhà văn Nguyễn Trí chia sẻ.

Nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc mưu sinh của những con người ở cả hai phía, bên thua và bên thắng sau cuộc chiến 1975. Cốt truyện không quá gay cấn, nhưng lại thu hút bởi những tình tiết rất đời thường, có chỗ rất cảm động... Với lối hành văn rất “dân dã” đã lôi cuốn người đọc vào cuộc cùng tác giả, như được sống trong những ngày tháng đầy biến động, đầy nghi hoặc, đầy chật vật… sau cuộc chiến.

Với cái tâm rất nhân văn, tác giả đã mô tả cuộc sống đời thường của các nhân vật một cách tự nhiên như nó đã và đang xảy ra… và từ đó đúc kết ra một vài nhận xét “triết lý” như những bài học của cuộc sống.

Có thể nói, “Ngẩng mặt nhìn mặt” dù được chấp bút bởi một tác giả trẻ nhưng rất đáng để đọc và ngẫm nghĩ để từ đó rút ra những “lẽ đời” bình dị nhưng sâu sắc.

Tại buổi ra mắt sách vừa qua, tác giả Mị Dung đã tặng 200 cuốn sách cho bạn bè, đồng nghiệp đến tham dự.

Tác giả tên thật là Đỗ Thị Mỹ Dung, hiện đang công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập khu vực phía Nam. Trước đây, cô từng có thời gian công tác tại Báo Giao thông, Pháp luật Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Vừa qua, Mị Dung cũng vừa đoạt giải Ba cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 2-2023 do Báo Người Lao động tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo 9X viết tiểu thuyết về đất và người Bắc Bình Định