Chính trị

Cần chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Duy Tuấn 28/11/2023 - 17:29

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, chiều 28/11, các Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo Đại biểu Khuất Việt Dũng - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách đặc thù vượt trội nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đó là xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

281120230308-khuat-viet-dung.jpeg
Đại biểu Khuất Việt Dũng - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 điều vào Chương 1 về định danh các chính sách, đặc biệt là chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo, đại biểu đề nghị lượng hóa cụ thể tỉ lệ góp vốn để thực hiện được thông suốt.

Cho rằng, việc xây dựng luật dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, theo đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề rất quan trọng, cần được hết sức quan tâm đặc thù và ưu tiên.

Về cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung trực tiếp vào các quy định của dự thảo Luật các cơ chế, chính sách đặc thù rõ hơn, mạnh dạn hơn, nhất là trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, lĩnh vực thu hút và trọng dụng nhân tài để tạo nên đột phá cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

281120230323-nguyen-tao.jpeg
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và thể chế thêm về "Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao" ngay trong dự thảo luật này theo hướng: Quy định liên kết các doanh nghiệp quốc phòng, nhất là tập đoàn quốc phòng, tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hạt nhân, nòng cốt nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu về sản xuất vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự để có cơ sở áp dụng trong thực tiễn.

Chú trọng quốc phòng, an ninh trên biển

Theo Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Việt Nam là quốc gia mạnh về biển, nên cần chú trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, coi biển đảo là môi trường sinh tồn, phát triển của nước ta.

281120230339-ta-dinh-thi.jpeg
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Theo đại biểu, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, cần nhấn mạnh:

Về chủ trương lớn là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Về nhóm giải pháp, hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Cần đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước.

Xây dựng lực lượng Công an khu vực ven biển đảo, các khu đô thị, kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các vùng biển đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp