Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

Phương Nam| 23/10/2018 09:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người giám định tư pháp tham gia tố tụng với tư cách là một nhà chuyên môn về vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các bên đương sự quan tâm.

Do đó, ý kiến của người giám định tư pháp có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Việc quy định các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp thể hiện yêu cầu trách nhiệm cao đối với người giám định trước pháp luật trong việc cung cấp nguồn chứng cứ khoa học cho hoạt động tố tụng.

Quy định này yêu cầu người giám định tư pháp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định trong suốt quá trình từ giai đoạn tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định, thực hiện giám định, xây dựng bản kết luận giám định đến việc trả kết luận giám định và những hoạt động liên quan khác.

Quy chuẩn chuyên môn là tổng hợp của quy trình và tiêu chuẩn khoa học được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, là căn cứ pháp lý để người giám định tư pháp thực hiện và kết luận giám định. Mỗi lĩnh vực giám định có quy chuẩn chuyên môn riêng, do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng. Tuân theo quy chuẩn chuyên môn là yêu cầu đối với người thực hiện giám định tư pháp phải thực hiện đầy đủ, chính xác về trình tự, thủ tục thực hiện giám định cũng như việc áp dụng tiêu chuẩn khi kết luận giám định.

Trung thực trong thực hiện giám định tư pháp là yêu cầu quan trọng đòi hỏi người giám định tư pháp chỉ căn cứ những tình tiết, nội dung tài liệu có thật để tiến hành thực hiện giám định, không tự suy diễn theo ý chí chủ quan của mình khi áp dụng quy định pháp luật. Khách quan là những sự vật, hiện tượng tồn tại ngoài ý chỉ chủ quan của con người, trong giám định tư pháp thể hiện từ việc tìm hiểu nội dung cần giám định, thu thập dấu vết, tài liệu… phục vụ việc thực hiện giám định.

Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp

Ảnh minh họa

Vô tư là yêu cầu người giám định tư pháp không vì muốn hay không muốn một chi tiết, nội dung cụ thể nào đó mà chi phối đến suy nghĩ trong hoạt động chuyên môn, thể hiện sự độc lập không bị chi phối bởi những yếu tố lợi ích vật chất, phi vật chất trong hoạt động giám định.

Khác với những người tham gia tố tụng khác, người giám định tư pháp tham gia tố tụng với tư cách là một nhà chuyên môn về vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các bên đương sự quan tâm. Do đó, ý kiến của người giám định tư pháp có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đối với việc giải quyết vụ việc dân sự, ý kiến của người giám định tư pháp còn ảnh hưởng đến hành vi, sự lựa chọn của các bên đương sự như họ có thể dễ dàng nhượng bộ nhau trong hòa giải hoặc rút đơn khởi kiện...

Vì vậy, có thể thấy sự khách quan, vô tư của người giám định tư pháp có ảnh hưởng quan trọng như thế nào. Nếu người giám định tư pháp đã thiếu vô tư, có định kiến trước thì cho dù phương pháp, phương tiện giám định có tiên tiến, hiện đại đến đâu, trình độ chuyên môn có cao bao nhiêu thì kết luận giám định cũng không bảo đảm chính xác, thậm chí có thể bóp méo sự thật, dẫn đến oan sai. Vì thế, pháp luật đòi hỏi sự khách quan, vô tư của người giám định tư pháp cũng giống như đối với người tiến hành tố tụng.

Chính xác là yêu cầu rất cơ bản trong hoạt động giám định tư pháp, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong tiếp nhận nội dung giám định, thu thập, nghiên cứu tài liệu, đánh giá tổng hợp một cách khoa học của người giám định tư pháp. Sự kịp thời thể hiện ở 2 khía cạnh, một mặt cần tiến hành giám định ngay khi tiếp nhận hoặc được phân công giám định tránh sự biến đổi tự nhiên của đối tượng giám định (trong giám định pháp y thương tích, một số chuyên ngành trong giám định kỹ thuật hình sự…); mặt khác, thể hiện việc kết luận, trả kết luận giám định theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định hoặc thời hạn thỏa thuận với người yêu cầu giám định.

Đối với người giám định, để phân biệt một cách rõ ràng “phạm vi chuyên môn được yêu cầu” đối với một vụ việc giám định cụ thể là khá phức tạp, trong nhiều trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định có sự đan xen đòi hỏi người giám định nắm rõ nội dung cần giám định, từ đó xem xét để áp dụng chính xác yêu cầu của nguyên tắc này đối với lĩnh vực giám định mà mình thực hiện. Ngoài ra, nguyên tắc này đòi hỏi sự phối hợp tuân thủ của cả người trưng cầu giám định và người thực hiện giám định.

Trước hết, người trưng cầu phải quán triệt sự cần thiết phải trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật, sau đó xác định nội dung cần thiết phải giám định để xác định cá nhân, tổ chức giám định phù hợp, không yêu cầu kết luận ngoài phạm vi chuyên môn giám định cũng như những vấn đề về pháp lý.

Thực tiễn những năm qua, hiện tượng nội dung kết luận giám định kết luận cả những vấn đề pháp lý tuy đã được khắc phục cơ bản nhưng vẫn còn diễn ra. Ví dụ như: tại kết luận giám định pháp y tâm thần có nội dung: đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ do có bệnh; hay tại bản kết luận giám định kỹ thuật hình sự, có nội dung: hành vi đó đã làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ...

Trong trường hợp xác định quyết định trưng cầu giám định có nội dung yêu cầu giám định không thuộc phạm vi chuyên môn của tổ chức giám định, người giám định thì tổ chức giám định, người giám định có văn bản thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu, người trưng cầu giám định biết để cơ quan trưng cầu thực hiện việc trưng cầu đối với tổ chức, cá nhân khác thực hiện giám định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp, kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định.... Kết luận giám định là nguồn chứng cứ khoa học, quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ việc dân sự. Vì vậy, quy định nguyên tắc bắt buộc người giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định là cần thiết, bảo đảm tính minh bạch cũng như tăng cường hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng và nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong quan hệ kinh tế, dân sự...                                       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp