Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và đồng phạm nói lời sau cùng

Văn Vũ - Trung Hiếu| 28/06/2018 18:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/6, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc NHNN cùng 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên toà hôm nay, kết thúc phần tranh luận, VKS bảo lưu quan điểm luận tội, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Toà nghị án.

Bị cáo Đặng Thanh Bình cho biết, VKS đã đánh giá thấu đáo những năng lực của bị cáo một cách khách quan.

Bị cáo Bình cho rằng quá trình tái cơ cấu là hết sức khó khăn, bởi còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bản thân bị cáo Bình và các thành viên vẫn rất tự hào vì đã giữ vững an ninh tiền tệ, ổn định xã hội, đó là thành quả lớn nhất.

Đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng Trusbank, có những khó khăn toàn diện, đặc biệt là những vi phạm chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng.

“Bất kỳ một sai phạm nào trong lĩnh vực ngân hàng, dù đó là một ngân hàng tái cơ cấu hay hoạt động bình thường thì vai trò của hoạt động thanh tra, giám sát và xử lý sai phạm vô cùng quan trọng đối với sự thành bại đối của một ngân hàng, bị cáo nói ra điều này không phải là phủ nhận hay chối bỏ trách nhiệm hay làm xấu đi trình trạng của đồng nghiệp", bị cáo Bình nói.

“Việc hành xử, xử lý công việc trong cuộc sống cũng như nhiệm vụ được giao phó luôn luôn xuất phát từ lương tâm của mình. Tại sao mình phải làm như vậy? Điều đó đơn giản xuất phát từ việc mình phải làm việc tốt, mình phải nỗ lực cố gắng. Và ý thức làm điều đó không phải vì mình và là vì xã hội, vì nhiệm vụ của mình và quan trọng nhất là làm điều đó vì danh dự của gia đình mình, tương lai của con cái mình. Mình làm phải làm việc đúng, làm có lương tâm để sau này không phải trách cứ bản thân vì bất kỳ hậu quả nào xảy ra", bị cáo Bình xúc động trình bày.

Nguyên phó thống đốc NHNN cũng cảm ơn ban lãnh đạo NHNN đã hết lòng đồng hành cùng bị cáo, chia sẻ những việc làm của bị cáo là đúng trách nhiệm.

Bị cáo Lê Văn Thanh nghẹn ngào nói: "Từ khi bị bắt tạm giam, ngày nào bị cáo cũng hối tiếc về những điều đã xảy ra. Bản thân bị cáo đang mang bệnh và còn phải phụng dưỡng mẹ già nên mong HĐXX đừng cách ly với xã hội".

Bị cáo Ngô Văn Thanh và Phạm Thế Tuân cũng đề nghị được hưởng mức án thấp nhất và xin được hưởng án treo.

Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và đồng phạm nói lời sau cùng

Các bị cáo nói lời sau cùng

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị án Phạm Công Danh, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cho rằng để tái cơ cấu ngân hàng Trusbank, nhóm đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và rào cản. Ngoài ra, Luật sư Phan Trung Hoài cũng mong muốn HĐXX xem xét lại tình tiết “thủ đoạn tinh vi” là như thế nào.

Luật sư cũng mong muốn HĐXX xem xét chính xác mức độ vi phạm của bị án Phạm Công Danh vì ông Danh tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trusbank không những đã đánh đổi mất hết tài sản mà còn phải chịu bản án 30 năm tù.

Luật sư Trần Thanh Hải nêu rằng, khi Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trusbank thì ngân hàng này đang lâm vào tình trạng không có khả năng chi trả, nợ xấu rất cao, có khả năng không thu hồi được, lỗ lũy kế vượt quá 50% giá trị hiện có, yếu kém toàn diện và không đảm bào an toàn nguồn vốn.

Dù mắc nhiều yếu kém nhưng ngân hàng Trusbank vẫn không được đặt vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nên góp phần cho việc ông Phạm Công Danh vi phạm. Luật sư Hải cho rằng Phạm Công Danh là “nạn nhân” của hoạt động tái cơ cấu Trusbank khi ngân hàng này không đủ năng lực tài chính và năng lực quản trị điều hành.

Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở luật sư khi dùng từ “nạn nhân” vì nhóm cổ đông của ông Phạm Công Danh trực tiếp đề nghị tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trusbank chứ không phải do NHNN buộc phải làm.

Đối đáp lại với các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh, Luật sư Nguyễn Xuân Bính (bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình), phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín được NHNN xem xét thận trọng trước khi trình Chính phủ.

Việc tái cơ cấu ngân hàng Trusbank là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi những người có hiểu biết về hoạt động ngân hàng, vì thế cơ quan TTGS đặt vấn đề là những người trong nhóm đầu tư Thiên Thanh không có kinh nghiệm trong việc điều hành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém nên không chấp nhận nhóm đầu tư này tham gia, sau đó báo cáo lại NHNN.

Luật sư cho rằng, trong tờ trình 1024 đã được tập thể NHNN họp ngày 13/7/2012 chấp thuận chủ trương nhóm Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trusbank.

Việc gọi Phạm Công Danh là “nạn nhân” là sai vì Phạm Công Danh tự nguyện tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trusbank, đưa hồ sơ để NHNN xem xét năng lực của họ.

Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và đồng phạm nói lời sau cùng

Đại diện VKS tại phiên toà

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, đại diện VKS cho rằng các ý kiến của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh ngoài phạm vi cáo trạng truy tố nên không đối đáp. Đáp lại ý kiến của luật sư Hoài số tiền 4.500 tỷ sẽ được đối đáp vào giai đoạn 2 (tháng 7/2018).

Về ý kiến xem xét trách nhiệm cơ quan TTGS, lãnh đạo NHNN, VKS cho biết trong phần phát biểu quan điểm luận tội đã kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ công an và VKSNDTC làm rõ trách nhiệm của những người này để xem xét xử lý.

Về ý kiến của luật sư Bính, VKS cho rằng nếu ông Đặng Thanh Bình yêu cầu thanh tra tổ giám sát làm việc chặt chẽ, trực tiếp xem xét thì không dẫn đến hậu quả nặng nề. VKS cho rằng quan hệ nhân quả là do ông Bình làm không đầy đủ nên tạo ra sơ hở cho Phạm Công Danh chiếm đoạt trên 15.000 tỷ đồng.

Về mức hình phạt, đại diện VKS cho rằng, đáng ra bị cáo Bình phải bị đề nghị mức án 12 năm tù. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo Bình cùng các bị cáo khác có hơn 30 năm đóng góp cho ngành ngân hàng, đạt nhiều thành tích nên đã tuyên bị cáo Bình mức án 4 đến 5 năm ở khung hình phạt liền kề. VKS đã chiếu cố hết mức, sau khi nghị án, HĐXX sẽ cân nhắc, xem xét mức án các bị cáo sao cho phù hợp.

Ngày 2/7, Toà sẽ tuyên án đối với các bị cáo.

Trong phần tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thế Tuân, nguyên Phó giám đốc ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP HCM, nguyên tổ phó tổ giám sát không nhờ luật sư, bị cáo tự bào chữa rằng, bị cáo thừa nhận cáo buộc của VKS ngay từ giai đoạn điều tra.

Trong 6 giao dịch mà Phạm Công Danh đã rút tiền của Trusbank, bị cáo Tuân không cho chuyển tiền một giao dịch nào. Sau khi những thành viên trong tổ giám sát phát hiện ra sai phạm của Phạm Công Danh, tổ giám sát đã kịp thời yêu cầu triệu tập ban lãnh đạo Trusbank cung cấp hồ sơ, thu hồi, đình chỉ ngay tất cả giao dịch, đồng thời gửi báo cáo cho các cơ quan thẩm quyền, thống đốc NHNN.

Về bản thân, bị cáo Tuân hoạt động trong ngành ngân hàng, khi được tham gia vào hoạt động tái cơ cấu ngân hàng Trusbank, bị cáo Tuân không hề được đào tạo, hướng dẫn quy chế, quy định về hoạt động giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao, bị cáo Tuân cùng các thành viên tự tìm tòi, tìm hiểu để cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.

Trong thời gian làm tổ phó tổ giám sát ngân hàng Trusbank, bị cáo Tuân còn kiêm nhiệm chức vụ tổ phó tổ giám sát hai ngân hàng khác cũng trong giai đoạn tái cơ cấu. Bị cáo Tuân cho rằng công việc quá nặng nề, vì đảm nhiệm nhiệm vụ tổ phó tổ giám sát của 3 trong 6 ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu và gắp rất nhiều khó khăn, rào cản, chưa từng có tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trong thời gian bị cáo Tuân đảm nhiệm vai trò tổ phó tổ giám sát ở hai ngân hàng khác, hai ngân hàng này luôn lãi ròng và hoạt động bình thường cho đến nay. Bị cáo Tuân cho biết bị cáo chưa từng bị nhắc nhở về thái độ công tác, trách nhiệm của mình. Bị cáo Tuân rất sót xa khi nhóm Phạm Công Danh luôn thực hiện hành vi gian dối, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng Trusbank.

Ngoài ra, bị cáo Tuân cho rằng không phải là đối tượng nguy hiểm cho xã hội, rất hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Từ đó, bị cáo Phạm Thế Tuân xin giảm nhẹ hình phạt, thấp hơn bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An, nguyên Tổ trưởng tổ giám sát vì chức vụ của bị cáo thấp hơn và đề nghị được hưởng án treo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và đồng phạm nói lời sau cùng