Tham gia cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia rồi bị thương, trở lại cuộc sống đời thường với đầy thương tích, nhưng bằng ý chí nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ, thương binh 1/4 Nguyễn Công Lập, ở xóm Tân Thắng, xã Nghĩa Thành huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã vượt qua khó khăn, trở thành tấm gương tiêu biểu.
Vẹn nguyên phẩm chất người lính Cụ Hồ
Kể cho chúng tôi nghe về những ký ức oai hùng trong quá khứ, ông Nguyễn Công Lập cho biết, cũng như bao trai tráng ở địa phương lúc bấy giờ, không chịu cảnh quê hương bị giặc tàn phá, ông đã gia nhập quân ngũ lúc 18 tuổi, vào Trung đoàn 165, Quân đoàn, Bộ đội tình nguyện.
Trong những năm tháng khói lửa đó, ông Lập đã từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại Tà Mốc, Campuchia. Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân đội ta và quân địch năm 1979, ông bị thương nặng ở đầu, bụng và nhiều vết thương khác trên khắp cơ thể.
Sau gần 3 năm điều trị tại các trung tâm điều dưỡng, trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Công Lập mang trong mình thương tật làm suy giảm tới 81% sức khỏe. Thời điểm đó, kinh tế gia đình khó khăn, con còn nhỏ, vết thương lại thường xuyên tái phát, đau nhức khi trái gió trở trời.
Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh người lính Bộ đội Cụ Hồ lại càng giục giã thôi thúc ông Lập phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và bà con làng xóm. Tận dụng quỹ đất vốn có của gia đình ông đã trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi.
Từ một hộ khó khăn, phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, đến nay, ông Lập đã xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều công cụ hỗ trợ phục vụ sản xuất, nuôi con học hành thành đạt.
Ông Lập bày tỏ: “Chiến tranh ác liệt, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng, tôi may mắn sống sót, nên bằng mọi giá phải vượt khó vươn lên. Bản thân tự hào vì là người góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tôi luôn tâm niệm, còn sống là còn vươn lên, “thương binh tàn nhưng không phế””.
Không chỉ là tấm gương sáng vượt khó trong lao động sản xuất, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Công Lập còn nổi tiếng là người nuôi dạy con ngoan. Ông có 4 người con, 3 gái 1 trai, tất cả đều được học hành đầy đủ, thành đạt.
Gương mẫu góp sức xây dựng quê hương
Với những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, thương binh 1/4 Nguyễn Công Lập không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tuyên truyền trong hội viên chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như các quy định của địa phương và khu dân cư.
Đồng thời, ông Lập còn nhiệt tình tham gia đi đầu trong các phong trào đóng góp xây dựng quê hương. Đặc biệt là trong phong trào CCB chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), ông đã hiến đất mở đường, đóng góp tiền làm đường bê tông.
Bên cạnh đó, ông còn là một hội viên CCB tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, nói chuyện truyền thống về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường học trên địa bàn, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" cho các em học sinh.
“Chiến tranh ác liệt, mình may mắn thoát chết trong khi nhiều đồng đội đã ngã xuống, vì thế, phải cố gắng đóng góp và sống xứng đáng với sự hy sinh ấy”, ông Lập chia sẻ thêm.
Điều khiến ông Lập vui nhất là nhờ quyết liệt thực hiện xây dựng nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong xóm, xã ngày càng rộng rãi, sạch đẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Với người thương binh già này, tuy thân thể bị thương tật, nhưng mình là đảng viên thì phải phụng sự cho nhân dân, giúp dân thoát cảnh đói nghèo, vươn lên phát triển.
Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên động viên, giúp đỡ anh em trong chi hội CCB những kinh nghiệm chăn nuôi trồng trọt để họ nắm rõ hơn về kỹ thuật. Hay CCB nào trong chi hội cần vốn, ông sẵn sàng hỗ trợ để cùng nhau vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Sự nỗ lực của ông đã được các cấp, các ngành, đồng đội ghi nhận. Nhiều năm qua, ông Lập được Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, các cấp hội CCB tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; liên tục được khu dân cư bình xét đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ông Lê Thanh Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết: Dân số của Nghĩa Thành hiện có gần 10 ngàn người, trong đó có 202 đối tượng là người có công và thân nhân người có công. Đặc biệt, gia đình ông Lập là một gia đình điển hình về làm ăn kinh tế cũng như nuôi con cái ngoan ngoãn, trưởng thành.
“Ông Lập luôn vận động các hội viên CCB và bà con tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương. Thương binh Nguyễn Công Lập là một tấm gương sáng về tinh thần vượt lên hoàn cảnh.
Ông đã nhiều lần được chính quyền và đoàn thể các cấp biểu dương, khen thưởng, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo”, ông Đàn nhấn mạnh.
Mặc dù đã ở tuổi 65, con cái đã học hành thành đạt, kinh tế gia đình ổn định nhưng thương binh 1/4 Nguyễn Công Lập vẫn tích cực lao động sản xuất để làm gương cho con cháu, cho đồng đội cùng học tập kinh nghiệm để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.