Người Thái và gánh nặng của hồi môn

Nguyễn Gia Bảo| 14/01/2015 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ xa xưa, trong lễ cưới của người Thái, khi cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng mang theo rất nhiều của hồi môn như chăn, đệm, vải vóc hay một số đồ nông cụ.

Từ xa xưa, trong lễ cưới của người Thái, khi cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng mang theo rất nhiều của hồi môn như chăn, đệm, vải vóc hay một số đồ nông cụ. 

Của hồi môn … xưa và nay

Tục mang của hồi môn của cô dâu về nhà chồng thể hiện nhiều nét nhân văn trong cuộc sống từ xa xưa của cộng đồng người Thái. Trước hết, nó thể hiện tình mẫu tử và trách nhiệm của cha mẹ lo lắng, giáo dục con cái đức tính cần cù lao động. Bản thân người con gái Thái ngay từ nhỏ vì phong tục tập quán mà tự rèn luyện sự chịu thương, chịu khó, kiên trì. Nó còn thể hiện tình cảm láng giềng, họ hàng luôn cộng đồng trách nhiệm với nhau trong xây dựng cuộc sống.

Đồng thời, của hồi môn của nhà gái cũng làm cho nhà trai bớt đi khó khăn phải lo việc cưới quá nặng nề. Qua đó, dành được vốn liếng để hỗ trợ cho con em mình phát triển kinh tế gia đình sau khi cưới. Những lễ vật hồi môn rất chu đáo của nhà gái sẽ khiến cho nhà trai cũng như bản thân chú rể tăng thêm sự trân trọng mối quan tâm của nhà gái để cố gắng sống làm sao cho mối quan hệ thông gia, vợ chồng ngày càng đầm ấm và bền chặt…

Bà Lò Thị Phấn ở xã Pú Nhi (Điện Biên Đông, Điện Biên), kể rằng: "Từ xa xưa, phụ nữ Thái đã nổi tiếng về tính cần cù. Ngay từ khi mới lên chín, mười tuổi, các cô bé đã tập thêu thùa, may vá và lớn hơn chút nữa thì cần cù việc đồng áng, nương rẫy, trồng bông dệt vải, lo lắng quần áo, cơm nước cho cả nhà. Bởi vậy, trong gia đình người Thái luôn dành cho con gái sự yêu thương đặc biệt. Chính vì vậy đến lúc con gái đi lấy chồng, cha mẹ các cô gái luôn lo cho con mình nhiều của hồi môn làm vốn liếng khi bước chân về nhà chồng. Còn về lễ cưới của nhà trai mang sang nhà gái thì trước đây không chỉ người Thái mà nhiều dân tộc khác cũng có tệ thách cưới nhưng cơ bản là nhà gái không nhận nhiều lễ vật từ nhà trai.

Người Thái và gánh nặng của hồi môn

Một cô dâu người Thái rạng ngời trong ngày cưới

 Trước kia, các làng bản rất thưa thớt nên nhà gái thường chỉ nhận lễ cưới khoảng 50 cân gạo, 50 cân thịt lợn, 50 lít rượu. Ngoài ra, theo tục lệ thì nhất thiết lễ cưới nhà trai mang đến phải có mấy ống cá chua làm bằng cá suối và nhà gái làm bao nhiêu mâm thì nhà trai phải có đủ mỗi mâm một đĩa cá sấy để khi bày cỗ sẽ được nướng lại trên than hồng. Ngoài các lễ vật đó, nếu nhà nào khá giả tặng cho con dâu vòng tay, xà tích bằng bạc thì tùy ý.

Với những lễ vật khiêm tốn như vậy nhưng nhà gái vẫn mang về nhà trai món quà hồi môn rất lớn, từ ấm chén, bát đĩa, xoong nồi, dao, cuốc, cày, bừa… đủ vật dụng cho một gia đình tách ra để ở riêng. Bây giờ có nhiều đồ dùng hiện đại và kinh tế khá lên, nhiều nhà còn chuẩn bị của hồi môn cho con gái cả giường tây, tủ lạnh, xe máy, quạt điện, ti vi. Ngoài những lễ vật trên, còn có những lễ vật không thể thiếu được đó là ngoài số chăn, đệm cho vợ chồng thì nhà trai có ông, bà nội, ngoại, bố mẹ chồng, anh, chị, em chồng và vị đại diện nhà trai sẽ được tặng mỗi người một bộ chăn, đệm nằm, đệm ngồi, gối bằng vải dệt truyền thống nhồi bông lau.

Để có được những lễ vật đó, xưa kia, nhà có con gái Thái đã phải chuẩn bị dần từ lúc cô gái mới mười ba, mười bốn tuổi. Khi sắp lấy chồng thì bà con trong bản có thể làm giúp hoặc nhiều nhà được mỗi nhà họ hàng giúp cho một hai bộ chăn đệm, và các vật dụng khác. Tới khi nhà họ hàng có con lấy chồng thì mình giúp lại.

Áp lực đè nặng lên những hộ nghèo

Có lẽ vì những ý nghĩa thiết thực, nhân văn như thế nên trong nghi lễ cưới hỏi của người Thái so với trước đây đã có nhiều thay đổi nhưng tục mang của hồi môn về nhà chồng của cô dâu người Thái vẫn không thay đổi là bao. Nhưng mặt khác, cũng vì cái tập tục tồn tại từ nghìn xưa này mà nhiều bậc làm cha làm mẹ dở khóc, dở cười khi con cái đến tuổi lấy chồng mà "một cắc bạc trong nhà không có".

   Thông thường, mỗi gia đình người Thái khi có con gái đi lấy chồng thì ít nhất cũng phải chuẩn bị trước khoảng 20 - 30 triệu đồng. Chính vì số tiền để lo sắm sanh của hồi môn ấy khiến cho nhiều hộ nghèo khó có thể lo được đám cưới cho con, hoặc nếu cố lo cho được thì gia sản cũng gần như khánh kiệt sau đám cưới. Điều đó cũng đồng nghĩa họ khó có thể trợ giúp vốn liếng cho đôi vợ chồng trẻ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Vậy là đời con, thậm chí đời cháu của họ lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ nghèo đói.

Đói nghèo, đông con và hệ quả của hủ tục lạc hậu cứ vây lấy cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ mới cưới khiến họ khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn giống như cuộc đời của cha mẹ mình. Ai cũng mong gìn giữ tục lệ tổ tiên và chẳng ai không biết tục quá xem trọng của hồi môn của dân tộc mình là khổ, là khắt khe, nặng nề nhưng tập tục như cái đinh đã đóng vào thân cây nghiến nên chằng ai dám phá bỏ.

   Bà Lò Thị Phấn cho biết: “Phong tục này bắt nguồn từ xa xưa, khi trong các gia đình người Thái vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ, người phụ nữ thường là lao động chính, nắm vai trò chủ chốt trong gia đình. Sau ngày cưới, chàng trai phải ở rể, thế nên theo suy nghĩ truyền thống, nhà trai đã bị “mất người”. Để “đền bù” sự mất mát này, gia đình nhà trai quyết "đòi quyền lợi" đối với phía nhà gái bằng những món hồi môn. Người con gái trước khi đi lấy chồng chỉ phải lo chăn, chiếu, mùng, màn và những dụng cụ lao động sản xuất đơn sơ như cái cày, cái cuốc để đi làm nương rẫy. Nhà nào giàu thì có thêm đôi lợn giống, mấy cặp gà để làm vốn sinh nhai khi về nhà mới. Phong tục đó vốn chỉ mang nghĩa tượng trưng, không nặng về vật chất”.

Người Thái và gánh nặng của hồi môn

Khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo rất nhiều của hồi môn

Thế nhưng, lẽ đời “con gà tức nhau tiếng gáy”, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đều không chịu thua kém nhau. Họ đua nhau thể hiện “tiềm lực” của gia đình mình trong ngày cưới của con cái bằng những món lễ vật có khi bằng nửa gia tài của mình. Nhà còn nghèo, bữa cơm có khi còn phải độn khoai sắn nhưng “nhà gái” sẵn sàng vay mượn, chấp nhận mang nợ để con mình "không thua chị kém em". Nhiều khi bên nhà trai thương nhà gái nghèo quá nhưng họ vẫn không dám “miễn” cho nhau khoản này. Chỉ vì họ sợ lỡ người khác biết chuyện sẽ hiểu rằng, con trai của mình không có giá, phải cho qua những khoản lễ ấy đi để lấy được vợ.

Tuyên truyền để xóa đi hủ tục

Anh Lò Văn Hạt ở cuối bản Háng Trợ A (Pú Nhi, Điện Biên Đông, Điện Biên) có ba cô con gái đang đến tuổi cập kê. Anh Hạt cho biết: “Cưới con gái, tính tất cả những đồ lễ vật cho con mang theo sơ sơ thôi cũng mất khoảng 20 triệu đồng rồi. Mình lo lắm vì nhà mình ít trâu, ít bò. Nhưng đã là tục lệ thì dù sao mình cũng phải theo, không làm thế người làng cười chết. Với lại, mình cũng có con trai, sau này chúng cũng phải đi lấy vợ nữa chứ”.

Cũng chỉ vì có ba cô con gái, đã gần chục năm nay, vợ chồng anh Hạt phải nai lưng trên nương trồng ngô trồng sắn, chắt chiu từng đồng mua trâu, dê, lợn, gà đem lên núi nuôi chờ ngày con đi lấy chồng. Dù rất thích nhưng anh không dám mua chiếc tivi đen trắng có vài trăm nghìn đồng để tối tối xem thời sự. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phải tiết giảm đến mức tối thiểu. Anh Hạt bị viêm loét dạ dày đã mấy năm nay nhưng chần chừ mãi không dám xuống huyện chữa cũng chỉ vì sợ tốn tiền. Anh bảo: “Lỡ đi khám biết cái bệnh mình nặng mà không có tiền chữa lại đâm lo. Thôi thì cố chờ thêm ít năm nữa, các con đi lấy chồng cả rồi hẵng tính sau”.

Tuy thế, niềm mong ước ấy của anh Hạt có lẽ sẽ khó mà thực hiện được. Chỉ tay về rặng núi phía xa, anh Sủng bảo: “Đến giờ có lẽ mình cũng chỉ đủ để lo cho con đầu thôi. Hai đứa em chẳng biết tính thế nào, có lẽ rồi cũng phải vay mượn thôi, mà vay mượn thì biết bao giờ mới trả được”.

Hậu quả của việc quá xem trọng của hồi môn trong đời sống đồng bào dân tộc Thái vẫn còn nặng nề như thế nên cần sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Đặc biệt, tổ chức Đoàn Thanh niên và ngành văn hóa phải là lực lượng tiên phong trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Mấy năm gần đây, trên địa bàn xã Pú Nhi, nhờ sự vào cuộc rốt ráo của cấp uỷ, chính quyền địa phương nên tình trạng "con đi lấy chồng, mẹ khóc, cha lo" đã có chiều hướng thuyên giảm. Một số thôn bản còn vận động các già làng, trưởng bản tham gia vào việc tuyên truyền, thuyết phục đồng bào. Giải pháp này nhiều khi mang lại những kết quả hết sức khả thi. Bây giờ, đến Pú Nhi, quan niệm về của hồi môn trong suy nghĩ của đồng bào đã không còn nặng nề như trước. Chính vì thế, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Thái ở đây đã không còn cảnh túng bấn, nợ nần sau đám cưới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Thái và gánh nặng của hồi môn