Người lính già xúc động nhớ về ngày 30/4 lịch sử

Đức Chung| 28/04/2022 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã 47 năm trôi qua, mỗi khi nhớ về những trận chiến đấu bất khuất, kiên cường của toàn quân ta, cựu binh Nguyễn Bắc Kinh (73 tuổi, trú ở xóm Quy Lăng, xã Lăng Thành huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn xúc động xen lẫn tự hào khi đóng góp chút sức nhỏ bé của mình để đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải.

Nhập ngũ sau một ngày cưới vợ

Thuở thiếu thời, trong khoảng thời gian từ năm 1968 – 1971, chàng thanh niên Nguyễn Bắc Kinh đi học lái máy cày ở trường Cơ khí nông nghiệp tỉnh Nghệ An, sau đó làm công nhân biên chế chính thức tại Công ty Cơ giới nông nghiệp tỉnh Nghệ An.

Vẫn còn nhớ như in, ngày 26/6 (âm lịch) năm 1971, khi vừa qua tuổi 20, Nguyễn Bắc Kinh lập gia đình với người con gái nết na, hiền hậu ở địa phương. Chỉ một ngày sau đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai tuổi đôi mươi ấy phải tạm biệt người vợ mà không biết ngày trở về, lên đường nhập ngũ, thuộc Đại đội 54, K14, Đoàn 22 (Quân khu 4), đóng quân ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

1-2-.jpg
Cựu binh Nguyễn Bắc Kinh bồi hồi nhớ lại những trận đánh năm nào, trong đó có trận chiến 30/4/1975.

Sau quãng thời gian huấn luyện tân binh rồi hành quân từ huyện Đô Lương tiến vào chiến trường Miền Nam mất khoảng 6 tháng. Từ tháng 11/1971 đến tháng 5/1972, ông cùng đơn vị thuộc C35 D9 E22 tham gia đánh vây lấn quân Mỹ ở Đường 9 Khe Sanh (Quảng Trị).

Dường như những trận đánh ác liệt những năm ấy khiến ông Kinh chưa thể nào quên được, dù đã hơn 40 năm trôi qua. Ông xúc động nói: “Chiến tranh quá ác liệt, tôi không nghĩ mình vẫn có thể sống sót để trở về với gia đình. Những trận đánh ác liệt ở Đường 9, có 9 người cùng quê ở Lăng Thành với tôi thì chỉ duy nhất mình tôi sống sót”.

Cũng theo lời ông, chiến dịch Đường 9 Khe Sanh lúc bấy giờ diễn ra ác liệt vô cùng. Đây được xác định là tuyến đường vận tải chiến lược Bắc - Nam chi viện chiến trường Miền Nam, nên quân Mỹ đã bố trí một lực lượng phòng ngự vững chắc nhằm cắt đứt nguồn chi viện của quân dân ta.

Thế nhưng, với sự kiên cường, dũng cảm cùng với cách đánh khoa học, chiến thuật của ta, quân cơ động Mỹ đã bị vây hãm, giam chân, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng và phương tiện chiến tranh, buộc địch phải rút bỏ một căn cứ lớn, đập tan tuyến phòng thủ vững chắc Đường 9 của địch. 

Thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Khe Sanh góp phần tạo nên yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta trên toàn chiến trường Miền Nam, tạo nên động lực và khí thế để toàn quân dân ta tiếp tục đà tiến công mới.

Đến tháng 4/1974, đơn vị của ông được bổ sung vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ, thuộc trạm xe pháo E42 F75. Sau đó được bổ sung vào Trung đoàn 42 Sư đoàn 9, ông Kinh là lái xe vận tải vận chuyển đạn dược, pháo… tham gia đánh trận ở Bến Cát (Bình Dương). 

2-2-.jpg
Với ông Kinh, những kỉ vật thời chiến bây giờ trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các đồn Rạch Bắp, Ri Nét, Kiến Điền. Cũng tại nơi đây,  ông đã bị thương với mảnh đạn găm vào phần đầu và phần bắp đùi. Bị thương nặng, ông được đơn vị đưa về bệnh viện K21 đóng ở Tây Ninh để điều trị. 

Sau 2 tháng trị thương, ông lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội và giải phóng tỉnh Bình Long, tạo tiền đề chuẩn bị chuyển sang chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 26/4 đến tối ngày 29/4, nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra khi quân ta tấn công vào khu vực giáp ranh với thành phố Sài Gòn. Ông Kinh cùng đơn vị được chỉ huy tiến quân theo hướng Tây Nam với những trận đánh hết sức cam go, ác liệt. 

Nhiều chiến sỹ đã hy sinh, bị thương, tuy nhiên với khí thế của toàn quân lúc bấy giờ đang sôi sục nên quyết siết chặt vòng vây đánh tan quân địch, trận đánh giành thắng lợi vào sáng 30/4. 

3-1-.jpg
Về già, vợ chồng cựu binh Nguyễn Bắc Kinh sống vui vẻ cùng con cháu trong gia đình.

“Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, cảm xúc lúc đó của tôi không thể diễn tả hết bằng lời. Niềm vui vỡ òa trong ánh mắt mỗi chiến sỹ, mỗi người dân. Đó là những giờ phút thiêng liêng khi đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, dân tộc ta độc lập, tự do. Lúc đó tôi sung sướng trào dâng nước mắt, mừng quá mà khóc” – ông Kinh xúc động nhớ lại.

Được trở về đã là điều may mắn

Đến tháng 2/1976, ông chuyển ra Bắc đi học lớp sửa chữa máy kéo, chuyển ngành về Chi cục cơ giới nông nghiệp tỉnh nghệ An, sau đó làm lái xe vận tải ở Công ty vận tải huyện Yên Thành. 

Tháng 12/1990, ông nghỉ hưu do mất sức tại địa phương. Ở quê nhà, ông cùng với vợ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để nuôi dạy các con khôn lớn. Đến nay, 4 người con của ông (2 trai, 2 gái) đã có việc làm ổn định, kinh tế vững chắc, trong đó có người con thứ hiện đang công tác trong quân đội. 

4-1-.jpg
Một trong những Huân, Huy chương ông Kinh được Đảng và Nhà Nước trao tặng về những đóng góp của mình.

Đối với ông bây giờ, được ở bên cạnh vợ con đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà không phải người lính nào cũng may mắn có được. Những kỉ vật năm xưa như chiếc ba lô bị thủng lỗ chỗ vì trúng đạn, chiếc huy hiệu quyết thắng năm 1975 hay mẫu giấy chứng nhận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh…đều trở nên vô giá mà ông thường tỉ mẩn nhìn ngắm mỗi ngày, bởi nó đã gắn với ông quá nhiều kỷ niệm về một thời mưa bom, bão đạn.

Nhớ lại những ngày tháng 4 lịch sử này, trong lòng người lính già lại lâng lâng cảm xúc xen lẫn tự hào về những ngày tháng chiến đấu xưa. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm, những kỷ vật năm nào, ông Kinh lại ngậm ngùi, xót xa bởi trong tâm khảm ông, vẫn đau đáu những nỗi đau khi rất nhiều đồng đội vẫn còn nằm ở đâu đó chưa thể trở về.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lính già xúc động nhớ về ngày 30/4 lịch sử