Ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo bắt đầu "các hoạt động chống khủng bố địa phương" tại Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai do lực lượng thân Armenia kiểm soát.
Azerbaijan cho biết chiến dịch nhằm "trấn áp những hành động khiêu khích quy mô lớn" và đẩy lùi "các binh sĩ Armenia". Động thái diễn ra sau khi Azerbaijan cho biết 6 công dân nước này đã thiệt mạng do mìn trong hai sự việc riêng biệt và đổ lỗi cho "các nhóm vũ trang phi pháp người Armenia". Azerbaijan cũng đã thông báo trước cho Sở chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và lãnh đạo Trung tâm Giám sát Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết tình hình tại biên giới giữa nước này với Azerbaijan vẫn ổn định. Yerevan bác bỏ cáo buộc binh sĩ Armenia hiện diện ở Nagorno-Karabakh. Bộ Ngoại giao Armenia kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh can thiệp, ngăn chặn "cuộc gây hấn toàn diện" của Azerbaijan với người dân bản địa. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga đã liên hệ với các bên liên quan về tình hình Nagorno-Karabakh. Moskva kêu gọi Baku và Yerevan chấm dứt "đổ máu" tại Nagorno-Karabakh, theo đuổi biện pháp ngoại giao.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch quân sự của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh và cho rằng hành động này "cần thiết" để giải quyết những lo ngại an ninh hợp pháp. Mặc dù vậy, Ankara vẫn ủng hộ Baku và Yerevan "tiếp tục đàm phán có hiệu quả" để giải quyết căng thẳng.
Trong khi đó, Pháp cho rằng việc Baku mở chiến dịch quân sự tại Nagorno-Karabakh là "phi pháp, không chính đáng". Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên án động thái là "phi pháp, không chính đáng và không thể chấp nhận được". "Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần buộc Azerbaijan chịu trách nhiệm về số phận những người Armenia ở Nagorno-Karabakh", bà Colona nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, đồng thời kêu gọi Azerbaijan "lập tức dừng chiến dịch tấn công", nối lại đàm phán để tìm "giải pháp hòa bình hợp lý và lâu dài".
Azerbaijan trước đó đã áp các hạn chế với hành lang Lachin, tuyến đường bộ duy nhất nối Armenia với Nagorno-Karabakh, không cho phép chuyển hàng viện trợ tới khu vực với lý do lo ngại buôn lậu vũ khí. Armenia cáo buộc hành động của Azerbaijan là phi pháp, tạo ra thảm họa nhân đạo, Baku bác bỏ. Tình hình có dấu hiệu hạ nhiệt khi thực phẩm và thuốc men ngày 18/9 đã được phép chuyển đến vùng ly khai. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Armenia cùng ngày cho biết lập trường của Azerbaijan cho thấy Baku dường như đang chuẩn bị có động thái quân sự.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào thập niên 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, vốn tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát khu vực này sau cuộc chiến đầu những năm 1990. Cuộc chiến 6 tuần mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian.