Trở lại cửa biển Nghi Sơn sau ba tuần vụ cá nuôi nơi đây chết trắng lồng, người dân đang điêu đứng vì những khó khăn chồng chất.
Con đường độc đạo đi vào xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) như được thông thoáng hơn trước do các chủ xe thu mua cá nơi đây đã “lánh” đi nơi khác tìm mối mới. Hỏi thăm đến các hộ dân bị thiệt hại do cá chết mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước hoàn cảnh điêu đứng của họ.
Sau chén trà mời khách ông ông Trần Văn Thạ ở thôn Nam Sơn tâm sự: “Gia đình tôi đã nuôi cá lồng đã được hơn 20 năm, đây là công việc và cũng là nguồn thu nhập chính cho cả 3 thế hệ trong nhà. Lần này thiệt hại nặng nhất, những năm trước kia cũng có cá chết nhưng lác đác vài con nổi lên, chỉ cần xử lý theo kinh nghiệm nuôi là được. Lần này do có hiện tượng lạ và xảy ra nhanh quá, chúng tôi không kịp trở tay nên mất gần hết. Thiệt hại ước tính gần tỷ đồng, toàn bộ vốn liếng của gia đình đều đầu tư vào đấy”.
Vợ chồng ông Thạ chưa biết làm gì để vực dậy sau vụ cá chết
Ngồi bên cạnh ông Thạ, bà Lưu Thị Góp (vợ ông Thạ) với đôi mắt thâm quầng xót cho vốn liếng cả nhà đổ vào nuôi cá giờ trắng tay, than thở: “Tất cả vốn đầu tư nuôi cá đều vay ngân hàng và anh em người nhà, chứ gia đình tôi chỉ bỏ công làm lời. Giờ cá chết, không bán được, chẳng thu lại được gì, cứ nghĩ đến món nợ là tôi lại phát sốt".
Cùng cảnh như gia đình ông Thạ, anh Đồng Văn Xuân nuôi hơn 20 lồng cá, với các loại cá mú, cá hồng, cá vược,.. toàn cá có giá trị kinh tế cao. Anh Xuân cho biết: “Hôm đó nghe tin cá chết tôi đã nhanh chóng gọi anh em cùng các thuyền bè xung quanh lai dắt các lồng nuôi ra cửa biển để cứu cá không bị ngột trong dòng nước lạ. Tiếp đó nhiều nhà cũng nhờ người lai dắt lồng cá ra cửa biển cách chừng một cây số”.
Anh Đồng Văn Xuân trao đổi với phóng viên
Theo tìm hiểu thì dòng nước có màu đỏ hôm đó chỉ xuất hiện xung quanh khu vực gần bờ nên người dân cố gắng di chuyển nhanh các lồng nuôi đi ra cửa biển nhưng phương tiện và người thiếu nên việc lai dắt lồng cá ra cửa biển không kịp. Mỗi lần di chuyển chỉ được một ít, đưa được lồng cá này đi thì lồng cá sau chết.
Chị Nguyễn Thị Hiền, vợ anh Xuân vừa là người nuôi cá cũng là chủ thu mua các loại cá của người dân nơi đây bày tỏ: “Mấy hôm nay tôi cứ như ngồi trên đống lửa vừa thấy xót, vừa tiếc, toàn cá to, khối lượng nhiều lăn ra chết không kịp tiêu thụ. Mặc dù giá đã hạ xuống nhiều so với giá thị trường nhưng bán cũng không được, có nhà bán không được nên xay làm thức ăn chăn nuôi. Những chuyến bán được đưa vào các tỉnh Nghệ An, hay Đà Nẵng họ cũng trả về do thông tin trên cá chết bất thường chưa tìm ra nguyên nhân đăng trên báo đài mấy ngày qua".
Hiện tại các lồng cá mà người dân cứu được khi lai dắt ra cửa biển đã lai dắt quay lại nơi ban đầu. Những loại cá đã nuôi nhiều thì được 2 năm, ít cũng 8 tháng, đều đến thời gian xuất bán nhưng ngặt nỗi các điểm thu mua đều từ chối. Trong khi đó thức ăn mỗi ngày trung bình của các hộ cho cá ăn phải từ 1 đến 3 triệu đồng, tùy vào số lượng ô nuôi của các hộ. Nếu việc xuất cá để bán chậm lại đến cả tháng thì các hộ phải bỏ thêm chi phí rất lớn, mà tiền nuôi toàn tiền vay ngân hàng.
Các ô nuôi cá của gia đình anh Xuân đã được lai dắt lại vị trí cũ
Đồng cảm với hoàn cảnh của người dân, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn chia sẻ: "Sáng sớm ngày 8/9, nhận được tin báo cá chết bất thường ở các hộ nuôi cá lồng, chúng tôi đã nhanh chóng cử người ứng cứu cùng nhân dân. Đồng thời báo cáo lên cấp trên cử các đoàn chức năng xuống kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá. Trên địa bàn xã có 66 hộ nuôi, trong đó 23 hộ bị thiệt hại nặng. Hiện xã vẫn tiếp tục trấn an, động viên người dân và tổ chức nhiều đoàn thể của xã đên thăm hỏi bà con".
Mặc dù đã có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết tại xã đảo Nghi Sơn không phải do dịch bệnh mà là do thiếu ôxi trong nước, nhưng các hộ nuôi cá nơi đây đang phải chịu ảnh hưởng hậu quả từ việc cá chết bất thường. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên có biện pháp, hướng khắc phục, tạo cơ chế để người dân có thể vực dậy trong hoàn cảnh này.