Sáng nay (ngày 23/2), ngư dân các tỉnh miền Trung tưng bừng khai mạc lễ hội Cầu ngư 2016. Đây là lễ hội thường niên của các ngư dân để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Từ sáng sớm tại thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ hội Cầu ngư làng Sâm Riêng.
Quang cảnh lễ hội Cầu ngư ông ở thôn Sâm Linh Tây
Lễ hội cầu ngư còn được gọi là lễ hội cá Ông, một nghi lễ được các ngư dân tổ chức hàng năm nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều mẻ cá lớn.
Các ngư dân đang làm lễ cầu ngư Ông
Mở đầu là lễ nghinh thần (rước thân) cá Ông ở cửa biển An Hòa, xã Tam Quang. Lễ được các ngư dân tổ chức thành kính và long trọng, nhằm cầu mong cho một năm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa và đánh bắt được nhiều tôm cá.
Sau lễ nghinh thần, lễ dâng hương, cầu an…các ngư dân bắt đầu khai hội với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao như: đua thuyền, kéo co…hết sức sôi nổi.
Ngư dân đang làm lễ dâng hương ở lăng ngư Ông
Lễ hội cầu ngư ở xã Tam Quang nhằm mục đích “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến các vị thần biển đã phù hộ giúp ngư dân vượt qua khó khăn, tai ương trên biển và thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân với nhau.
Ngư dân Đà Nẵng tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu Ngư
Cùng với ngư dân Quảng Nam, sáng cùng ngày, tại đường biển Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng các ngư dân cũng tưng bừng khai mạc lễ hội.
Đặc biệt lễ hội Cầu ngư năm nay ngoài sự tham dự đông đảo của người dân, bà con ngư dân miền biển còn có sự góp mặt của hàng trăm thành viên quốc tế là “thủy thủ” của 12 đội đua thuyền buồm Clipper 2015 -2016 đang có mặt tại TP. Đà Nẵng.
Đây cũng là hoạt động hưởng ứng “Năm văn hóa văn minh đô thị 2016” của TP. Đà Nẵng và bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân Đà Nẵng, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống của ngư dân cũng được diễn ra rất sôi nổi như biểu diễn hát tuồng, hát bài chòi, hò khoan kéo cá…
Các đội đua thuyền đang cạnh tranh nhau để về đích.
Ngoài phần Lễ và phần hội, trong dịp này còn có hoạt động phụ trợ như các hoạt động thể dục, thể thao, triển lãm tranh vẽ tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, lửa trại, kéo co, đua lắc thúng trai, đẩy gậy, trưng bày các gian hàng hải sản đặc trưng của ngư dân Đà Nẵng…
Lễ Cầu ngư được tổ chức với mục đích bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc.
Người miền biển tin rằng, lễ tế được tổ chức càng tôn nghiêm bao nhiêu thì thần linh sẽ phù hộ cho một năm tôm cá đầy khoang ra khơi an toàn bấy nhiêu.
Lễ hội cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, thuyền đầy tôm cá
Trong hệ tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển, các thần linh biển cả được thờ phụng rất phong phú, bao gồm cả những vị thần hữu hình và những vị thần vô hình. Một trong những vị thần hữu hình đó là thần Nam Hải, lấy hình tượng từ Cá Ông, tức loài cá voi. Và lễ hội Cầu ngư cũng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông ấy.
Các người dân vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng quan niệm, ngư Ông không chỉ là một vị thần biển - ân nhân của người đi biển, mà còn là vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của cộng đồng làng biển. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, gắn với niềm tin và ước vọng được thần hộ trì cho làng vạn “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”.