Đầu tháng này, VinFast gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng các trạm sạc cho xe điện tại 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Công thương, dự kiến các trạm sạc có thể phải áp dụng giá điện kinh doanh.
VinFast cho rằng, việc áp dụng giá điện kinh doanh với các trạm sạc xe điện là chưa phù hợp do chưa xác định được đúng đối tượng tiêu thụ điện thực tế tại các trạm sạc này, gây tăng chi phí sạc cho xe điện và người sử dụng, ảnh hưởng chính sách phát triển xe điện của Việt Nam.
Theo hãng xe điện VinFast, điện năng tại các trạm sạc là do người tiêu dùng trực tiếp tiêu thụ, không phải do cơ sở kinh doanh tiêu thụ như trường hợp áp giá điện kinh doanh. Nếu áp dụng giá điện kinh doanh sẽ không khuyến khích người dân chuyển sang xe điện.
Mức giá điện được đề xuất là tương ứng với giá sản xuất cho các trạm sạc xe điện nói chung và trạm sạc mà VinFast đã đầu tư.
Trên cơ sở đề xuất của VinFast, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao các Bộ Giao thông vận tải, Công thương, Tài chính nghiên cứu, xem xét xử lý theo thẩm quyền. Phó thủ tướng yêu cầu việc xử lý phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Các bộ được yêu cầu kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả và phương án xử lý trong tháng 1/2024.
Tại Việt Nam, hiện giá bán lẻ điện áp dụng cho 4 nhóm đối tượng, theo thứ tự từ thấp đến cao gồm điện sinh hoạt, điện sản xuất, điện hành chính sự nghiệp và điện kinh doanh. Trong đó giá điện kinh doanh là cao nhất, có thể lên đến 4.937 đồng/kWh (giờ cao điểm).