Nghệ sĩ Việt đang xa lạ với xử lý khủng hoảng?

Xuân Lan| 24/05/2022 11:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hàng loạt những ồn ào của ngôi sao hạng A trong thời gian vừa qua đã cho thấy một thực trạng là các nghệ sĩ Việt có vẻ như đang xa lạ với các bước xử lý khủng hoảng.

Bước vào mùa hè, thị trường âm nhạc Việt Nam chào đón nhiều sản phẩm âm nhạc mới. Tuy nhiên, cũng chính làng nhạc Việt đã trở thành sân khấu cho không chỉ một, mà tới ba vụ ồn ào của nghệ sĩ, liên tiếp diễn ra trong chưa đầy một tháng.

son2(1).jpg
Sơn Tùng vướng phải nhiều sự tranh cãi về lời trong MV của mình.

Cả ba đều là những cái tên lớn trong showbiz Việt Nam, với fanbase thuộc hàng khủng nhất nhì trong thời điểm hiện tại. Và cái cách họ xử lý trước những khủng hoảng cũng thể hiện rất nhiều vấn đề đang tồn tại giữa mối quan hệ fan - sao, cũng như sự lúng túng của nghệ sĩ Việt Nam khi đứng trước scandal.

Mở đầu chuỗi bê bối trong tháng qua là Sơn Tùng M-TP. Sản phẩm âm nhạc mới của giọng ca sinh năm 1994 bị nhận xét là khó nghe (theo đúng nghĩa đen - khán giả không thể luận ra M-TP đang hát gì) còn phần MV lại đạo nhái nhiều chi tiết từ các video ca nhạc quốc tế.

Nguy hiểm nhất, MV hàm chứa rất nhiều nội dung tiêu cực tới các fan nhỏ tuổi của Tùng. Điều này thoạt tưởng như bình thường, bởi việc sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP vướng chỉ trích là điều không còn lạ lẫm.

Thế nhưng nam ca sĩ luôn có lực lượng người hâm mộ đông đảo đằng sau, tạo thành dư luận tốt để trung hòa các phản hồi tiêu cực.

Tuy nhiên, tới There’s No One At All, câu chuyện đã vượt ra khỏi giới hạn của những cuộc tranh cãi hay bình luận trên Internet.

Những phản hồi tiêu cực đầu tiên về nội dung MV There’s No One At All của Sơn Tùng M-TP xuất hiện khá sớm trên các nền tảng mạng xã hội ngay sau khi sản phẩm phát hành tối ngày 28/4.

Ngay sau đó, là một cơn cuồng phong với Sơn Tùng M-TP khi cư dân mạng dấy lên những làn sóng phản đối mạnh mẽ về nội dung MV. Tới chiều ngày 29/4, khi lãnh đạo các cơ quan quản lý văn hóa đều đã có ý kiến về nội dung gây tranh cãi này.

vau.jpg
Sự việc tương tự cũng diễn ra với Đen Vâu.

Sơn Tùng M-TP lại đổ thêm dầu vào lửa khi lên bài ăn mừng lượt nghe của There’s No One At All trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến. Và phải tới tối cùng ngày, nam ca sĩ mới chính thức lên tiếng xin lỗi và thông báo tạm ngừng phát hành video gây tranh cãi.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc và án phạt được đưa ra cho M-TP. Số tiền nộp vào kho bạc không thấm vào đâu so với khối tài sản của nam ca sĩ, nhưng nó đã tạo thêm một dư luận xấu gắn với hình ảnh: Sơn Tùng M-TP vi phạm quy định và bị cơ quan chức năng xử lý.

Ta đều hiểu rằng, chỉ cần các fan hâm mộ nói đủ nhiều và đủ to thì những cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội có thể dễ dàng chôn vùi những nghi ngờ đạo nhạc, nhái hình ảnh của M-TP trong quá khứ vào vùng xám.

Nhưng không cộng đồng người hâm mộ nào đủ sức lực hay quyền lực để che chở cho thần tượng của mình trước những quy định đã được ghi rõ trên giấy trắng mực đen.

Và đó là câu chuyện của đạo đức và trách nhiệm, câu chuyện về luật tối thiểu mà người quản lý đã yêu cầu người nghệ sĩ cần phải nắm rõ, nhưng hóa ra Sơn Tùng lại không.

Sau Sơn Tùng M-TP, rapper "quốc dân" Đen Vâu cũng dính ồn ào vì vô tình khiến khán giả hiểu lối tư duy cũ mòn của những người đàn ông mang tư tưởng nam tính độc hại.

Đen Vâu tung ca khúc Đi trong mùa hè vào ngày 9/5, không lâu trước sự kiện Lễ khai mạc Seagames 31 tại Việt Nam. Hai ngày sau, làn sóng phản đối ngôn từ trong ca khúc mới bùng lên mạnh mẽ trên không gian mạng.

Mất thêm một ngày chuẩn bị để Đen Vâu sẵn sàng lên tiếng giải thích với khán giả câu chuyện đằng sau lời rap Đi trong mùa hè. Rapper cho biết mình cảm thấy đáng tiếc khi khiến khán giả hiểu sai lệch và hứa sẽ rút kinh nghiệm trong các sản phẩm sau này.

Đó không phải lần đầu tiên Đen gặp vướng mắc với ca từ của mình. Trước đó, Mang tiền về cho mẹ từng bị một vài cư dân mạng đưa ý kiến trái chiều, bởi họ tin rằng không phải người con nào cũng phải gánh trên mình trách nhiệm mang tiền về cho mẹ.

Dù vậy, cuộc tranh cãi này nhanh chóng rơi vào quên lãng, bởi đơn giản là ca khúc vẫn tạo được sự đồng cảm với số đông. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với Đen Vâu lần thứ hai.

nhi.jpg
Tháng 5 này cũng là khoảng thời gian Đông Nhi trải nghiệm cảm giác ngã nhào từ đỉnh vinh quang xuống đáy- mà cô chính là người tự vung tay xô ngã chính mình.

Trong thời điểm mà người trẻ Việt Nam đã dần có những tư tưởng rõ ràng khi nói về vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình, thì bê bối xoay quanh Đi trong mùa hè đã vô tình biến Đen Vâu thành một người đàn ông có mang tư tưởng nam tính độc hại - dù ta đều hiểu anh không cố tình khiến khán giả nghĩ sai về mình.

Đây cũng là khoảng thời gian Đông Nhi trải nghiệm cảm giác ngã nhào từ đỉnh vinh quang xuống đáy- mà cô chính là người tự vung tay xô ngã chính mình.

Trong sự nghiệp, Đông Nhi từng trải qua nhiều biến cố, nhưng đây có lẽ lần nghiêm trọng nhất sau hơn một thập kỷ ca hát của cô. Bởi nó trực tiếp liên quan đến mối quan hệ nghệ sĩ và fan, mối quan hệ là xương sống, là trái tim trong sự nghiệp của mọi nghệ sĩ.

Sau đó, phát ngôn của Đông Nhi như gáo nước lạnh hất vào mặt người hâm mộ, khiến họ đồng loạt tuyên bố sẽ quay lưng với thần tượng, gọi đây là cuộc giã từ "thanh xuân từ nay khép lại".

Nước mắt từ người hâm mộ đã rơi, và chắc chắn là cả nước mắt của Đông Nhi khi nữ ca sĩ nhận ra "bức tâm thư" giãi bày lòng mình đã gây ra hậu quả khủng khiếp nhường nào.

Trong những ngày sau đó, lần lượt Ông Cao Thắng cho tới quản lý của Đông Nhi đăng đàn giải thích sự tình, gửi lời xin lỗi tới khán giả. Bản thân Đông Nhi cũng phải xin lỗi khán giả một lần nữa, hứa sẽ ẩn bài đăng gây tranh cãi.

Trong ba vụ bê bối truyền thông, Đông Nhi là người phản ứng nhanh nhất với tin tức tiêu cực, nhưng cách lên tiếng của cô lại gây ra hậu quả tiêu cực hơn cả.

Cô đã khơi mào một trận chiến với cộng đồng khán giả của mình – một hành động chắc chắn sẽ khiến ê-kíp tại 6th Sense Entertainment mất nhiều thời gian và công sức để giải quyết.

Khi một bê bối truyền thông nổ ra, chắc chắn sẽ có những thiệt hại hữu hình và vô hình. Các giá trị vô hình chính là cái nhìn của người hâm mộ và công chúng với nghệ sĩ đó - đã được kể hết bên trên.

Còn thiệt hại hữu hình có thể quy ra các con số lượt xem MV, lượng khán giả truy cập và hợp đồng quảng bá với các nhãn hàng…

Lẽ ra, Sơn Tùng đã có thể xử lý khéo léo hơn trong bê bối của mình. Trong toàn bộ quá trình làm việc với bộ lẫn sau khi bị xử phạt, Tùng nên thể hiện thiện ý lắng nghe đóng góp của khán giả.

Ngược lại, xin lỗi xong là xong, Tùng vẫn tiếp tục quảng bá bài hát của mình trên streaming, đăng tải hình đi chơi và... quăng chiếc áo merchandise xuống biển, đó là chưa kể những post quảng cáo về sự hợp tác với dự án crypto gây tranh cãi.

Đó không phải những hành động nói lên sự chân thành, càng chẳng có vẻ gì là thể hiện là Tùng muốn lấy lại thiện cảm của dư luận, dù rằng lần này cậu đã thật sự làm sai.

Cách ứng xử của Tùng đầy tính cảm xúc, thậm chí có phần bốc đồng và thách thức. Nó dẫn đến việc hình ảnh của cậu đã bị một "vết" trong lòng rất nhiều khán giả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ nhìn nhận các sản phẩm tương lai từ Tùng. 

Có thể thấy, điều Tùng thiếu ở đây chính là một êkip có thể đưa ra những lời khuyên và đường hướng chính xác khi xử lý những khủng hoảng mang tầm vóc rộng lớn như thế này.

Một êkip sẽ nói cậu phải làm gì, nên nói những gì, cư xử ra sao và thể hiện như thế nào. Tùng có thể rất giỏi làm nhạc và là một nghệ sĩ đầy năng lượng, nhưng cậu hoàn toàn không phải một người có đủ cái đầu lạnh và tư duy đa chiều để giải quyết các khủng hoảng truyền thông. 

Tương tự, nếu Đông Nhi dừng lại một giây để cân nhắc thiệt hơn, chắc hẳn nữ ca sĩ sẽ không "vỗ mặt" fan bằng một bài viết sẽ khiến hình ảnh hoàn hảo bấy lâu nay của cô gặp phải bê bối không đáng có.

Scandal này chắc chắn cũng khiến kế hoạch quảng bá dài hơi cho ca khúc Đôi Mi Em Đang U Sầu thất bại, và trong kịch bản xấu nhất, ảnh hưởng tiêu cực tới cả những kế hoạch nghệ thuật, thương mại sau này của cô.

sao.jpg
Bên cạnh sản phẩm nghệ thuật thì chính hình tượng cá nhân của nghệ sĩ là thứ sẽ khiến họ trở thành ngôi sao với khán giả.

Trong khi cũng là những sự cố tương tự, các ngôi sao quốc tế đã cho thấy sự chuyên nghiệp và nhanh nhạy của mình. Bằng cách này hay các khác họ đã xoa dịu dư luận và từ đó có những các giải quyết khôn ngoan khác.

Có thể nói, bên cạnh sản phẩm nghệ thuật thì chính hình tượng cá nhân của nghệ sĩ là thứ sẽ khiến họ trở thành ngôi sao với khán giả.

Khi hình tượng ấy sụp đổ, cũng là lúc nghệ sĩ sẽ đánh mất lòng tin và tình yêu của chính những người trước đó dành hết trái tim cho họ.

Bản lĩnh của một người nghệ sĩ cùng ekip của mình sẽ thể hiện rõ nhất khi đối mặt với khủng hoảng. Bởi đó cũng là thời điểm nhạy cảm nhất quyết định xem, người nghệ sĩ có thể lấy lại được tất cả hay đánh mất tất cả, đôi khi chỉ bằng một câu nói.

Hình tượng cá nhân của một nghệ sĩ càng được trau chuốt, tiếng tăm của người ấy sẽ càng dễ vươn xa. Trên thực tế, những nghệ sĩ có chỗ đứng càng cao trong ngành giải trí lại càng là những người giữ được mối quan hệ hòa hảo, khăng khít với khán giả của mình.

Chuyên gia cũng cho hay phần lớn nghệ sĩ giải trí đều phải xây dựng hình tượng cá nhân thay vì thương hiệu cá nhân. Nhưng không ai sống thoải mái khi luôn phải chiều lòng người khác, kể cả nghệ sĩ giải trí. 



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Việt đang xa lạ với xử lý khủng hoảng?