Việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Thái, Thổ ở huyện miền núi phải đi kèm với việc khai thác, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Chính vì vậy, duy trì và phát triển các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian dân tộc thuần Thái, Thổ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhân rộng các CLB văn hóa dân gian
Những năm gần đây, thanh niên người đồng bào Thái du nhập nhiều luồng văn hóa mới nên dường như người ta đang quên dần đi các điệu xuối, lăm, nhuôn của dân tộc.
Đứng trước thực trạng đó và cùng niềm đam mê với dân ca của dân tộc mình, đã thôi thúc nghệ nhân Lương Thị Phiên ngày ngày miệt mài đi khắp trên bản dưới mường, để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Nghĩ là làm, bà đem dự định thành lập CLB đề xuất lên cán bộ văn hóa huyện Quỳ Hợp, Đảng ủy, chính quyền xã Châu Cường và được đồng ý cho chủ trường thành lập CLB dân ca dân tộc Thái tại địa phương.
Năm 2006, CLB dân ca dân tộc Thái xã Châu Cường được thành lập, đến nay đã có hàng trăm thành viên, với nhiều thành viên nòng cốt như: Nghệ nhân Lương Thị Phiên, ông Lương Đình Thuyên, chị Vi Thị Minh đều ở bản Mường Ham.
Trong các thành viên CLB có bà Lương Thị Phiên được công nhận là nghệ nhân ưu tú, là một nền tảng, điều kiện thuận lợi cho địa phương duy trì và phát triển CLB. Bà Phiên được ví như “người truyền lửa” để sưu tầm những làn điệu cổ và trao truyền lại cho hiện tại và các thế hệ sau.
Bà Lương Thị Phiên - bản Mường Ham, xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp – Nghệ An) chia sẻ: “Lý do thứ nhất làm cho các các làn điệu dân ca xuối, lăm, nhuôn của dân tộc Thái bị mai một đi chính là không có người dạy dỗ, truyền đạt lại. Lý do thứ 2 là thế hệ trẻ bây giờ thích hát hò, nhảy múa các thể loại sinh động, không ưa chuộng các làn điệu dân ca xuối, lăm, nhuôn. Cho nên, nếu không tập trung hệ thống văn hóa từ xóm đến huyện, đến tỉnh để gìn giữ, lưu truyền thì sẽ bị mai một, thậm chí mất hẳn”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Văn Cả- Phó Chủ tịch UBND xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: “Trong những năm qua, những làn điệu dân ca dân tộc Thái xuối, lăm, nhuôn, được đồng bào ở đây gìn giữ và phát triển, phát huy những tinh hoa mà ông cha ta để lại. Thế hệ trẻ bây giờ để học tập những làn điệu Thái rất khó và rất ít người có thể hát được trọn vẹn một bài dân tộc Thái. Vì vậy, nhằm để lưu giữ những giá trị đó, trong thời gian qua, xã Châu Cường luôn ủng hộ và hỗ trợ về mọi mặt”.
Những làn điệu dân ca dân tộc Thái xuối, lăm, nhuôn được đồng bào ở đây gìn giữ và phát triển, phát huy những tinh hoa mà ông cha ta để lại.
Ông Lương Văn Cả- Phó Chủ tịch UBND xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp
Hơn 17 năm hoạt động, bà Phiên và các thành viên khác trong CLB đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu dân ca cổ, tìm đến từng nhà trong bản để truyền dạy cho nhiều người.
Còn nhớ, những ngày đầu thành lập đầy khó khăn nhưng với niềm đam mê cháy bỏng và nhiệt huyết của các thành viên CLB, ngày càng có nhiều người tìm đến xin được tham gia học các làn điệu dân ca Thái.
“Từ ngày thành lập CLB cho đến nay đã tập cho nhiều người biết hát các làn điệu xuối, lăm, nhuôn, rồi biết múa. Các thế hệ trẻ nhỏ cũng rất yêu thích các buổi sinh hoạt của CLB nên tập trung nhiều. Ngoài học viên, hội viên trong CLB, các bà, các chị, các anh, ở gần cũng tập trung đến để nhờ tôi bày cho hát” - bà Phiên cho hay.
Ngoài những buổi học tập trung ở nhà văn hóa của bản, bà Phiên còn mở thêm một lớp học tại ngôi nhà nhỏ của mình.
Ở những lớp học “miễn phí” đặc biệt này, với đủ thành phần, mọi lứa tuổi từ trẻ em, người già, nam thanh, nữ tú…nhưng “bà giáo” già vẫn miệt mài theo từng cung bậc của những làn điệu dân ca Thái, truyền cảm hứng cho học trò của mình. Cứ thế, lớp học của bà ngày càng đông các chị em, các cháu tham gia, không kể ngày hay đêm cứ tụ họp là hát, là đối đáp, tiếng khèn, tiếng pí lại vang lên những khúc hát dao duyên đằm thắm.
Là một trong những thành viên CLB dân ca Thái xã Châu Cường từ buổi đầu thành lập, chị Vi Thị Minh ở bản Mường Ham chia sẻ: “Tôi là người Thái, tôi muốn biết hát các làn điệu xuối, lăm, nhuôn. Thấy bà Phiên hát hay nên tôi cũng muốn theo bà Phiên để học hỏi. Tôi thấy hạnh phúc nhất là khi tham gia trong CLB được hát những làn điệu xuối, lăm, nhuôn của dân tộc Thái, tôi thấy tự hào về dân tộc của mình lắm”.
Các thành viên của CLB tuy không được đào tạo trong các trường nghệ thuật nhưng họ lại rất am hiểu về âm nhạc. Dân ca Thái rất phong phú trữ tình, chứa đựng nhiều nội dung đa dạng về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ và các mối quan hệ xã hội.
Bốn thể loại dân ca Thái được nhiều người biết đến là các làn điệu xuối, lăm, nhuôn, khắp on. Nhạc cụ của các lối hát này cũng khá đơn giản với bốn loại là sáo, khèn, chiêng và trống. Tuy nhiên, để hát hay và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ngoài năng khiếu còn phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ càng thì mới có được những bài hát hay.
Thời gian tới, CLB sẽ kết nạp những thành viên có đam mê về làn điệu dân tộc Thái, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm phát huy và phát triển những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại.
Với những đóng góp đó, CLB xã Châu Cường đã được các cấp ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương về những đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ở xóm Sơn Tiến (xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp – Nghệ An) được nhiều người biết đến nhờ mô hình CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ đặc sắc. Các hoạt động của CLB không chỉ bảo tồn, lưu giữ, mà còn góp phần tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Năm 2007, CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Sơn Tiến được thành lập mới chỉ có 5 thành viên, trên cơ sở các vị cao niên tự nguyện nhóm họp và sinh hoạt cùng nhau, với lòng đam mê biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật của người Thổ trên địa bàn và tâm huyết lưu giữ các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Đến nay, đã có hàng trăm thành viên, học viên đủ mọi lứa tuổi, già trẻ, trai, gái tham gia.
Được tham dự một buổi tập của CLB, chúng tôi không khỏi bất ngờ và thú vị bởi với một xóm còn nhiều khó khăn, đa phần người dân làm nông nghiệp, song CLB lại được tổ chức rất chặt chẽ và khá bài bản gồm 2 ban: Âm nhạc và ca múa.
Các nội dung hoạt động rất phong phú, đa dạng như việc sưu tầm, sáng tác các làn điệu dân ca Thổ, những điệu trống, kèn, các vật dụng đồ cổ, nghệ thuật ẩm thực và tìm hiểu, lưu giữ phong tục tập quán.
Vẫn còn nhiều những giá trị văn hóa cổ truyền, nếu không kịp thời bảo lưu sẽ bị mai một. Nhất là các giá trị phi vật thể như các làn điệu dân ca cổ như đu đu điềng điềng, cồng chiêng, tập tính tập tang, dạ ơi....
“Trước kia, trong xóm có đội văn nghệ chuyên hát những bài dân ca Thổ. Sau đó, xã thấy phong trào phát triển mạnh nên ngày 18/9/2007 mới thành lập CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ. Từ đó thu hút trên 50 thành viên, trong đội văn nghệ có 15 người (6 nhạc công với 9 diễn viên). Hàng tháng đều luyện tập để gây phong trào và giữ gìn phong trào cho con cháu về sau này”- Nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp cho biết.
Bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian của người Thổ hiện vẫn còn được truyền lại trong nhân dân như kèn, sáo, trống, chiêng, váy, áo, thắt lưng... thì còn nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, nếu không kịp thời bảo lưu sẽ rất dễ bị mai một. Nhất là đối với các giá trị phi vật thể như phong tục, tập quán, các chuyện kể, các làn điệu dân ca cổ như đu đu điềng điềng, cồng chiêng, tập tính tập tang, dạ ơi…
Đó là những lời ca, điệu hát có tính giáo huấn cao, đồng thời thể hiện vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Thổ. Tại các ngày lễ hội của xóm, xã, không thể thiếu được tiết mục biểu diễn các làn điệu dân ca của thành viên CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Sơn Tiến.
Hiện nay, CLB có 15 thành viên và hàng trăm học viên trong đó người nhiều tuổi nhất là gần 80 tuổi và người ít tuổi nhất là 8 tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên nên gặp không ít khó khăn.
Huyện Quỳ Hợp đã đặc biệt quan tâm việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc như đưa dân ca vào trường học, đặc biệt là dân ca Thái và Thổ; duy trì và nhân rộng các mô hình CLB văn hóa dân gian để bảo tồn, trao truyền và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc …Điều này đã tác động đến việc thực hiện một cách có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Trương Văn Thông, cán bộ công chức văn hóa xã Thọ Hợp cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CLB các xóm và sẽ tham mưu cho Đảng ủy xây dựng Nghị quyết, ban hành chế độ chính sách để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn”.
Xây dựng huyện điểm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
Ngược thời gian trở về hơn 22 năm trước, vào năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tỉnh Nghệ An đã chọn huyện Quỳ Hợp để xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số.
Được chọn là địa phương xây dựng huyện điểm văn hóa, Quỳ Hợp có nhiều nỗ lực với 100% các xóm, bản, khối ở các xã, thị trấn đã xây dựng, bổ sung hương ước có chất lượng, đúng pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
Đăng ký và tích cực phấn đấu xây dựng đạt “Làng văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Xóm văn hóa” theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, trong đó cán bộ, đảng viên, các gia đình văn hóa, các xã văn hóa, xóm, bản, khối văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đã gương mẫu thực hiện trước.
Mặt khác, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua ở huyện miền núi Quỳ Hợp đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, giảm nghèo trên địa bàn.
Trong những năm qua, huyện Quỳ Hợp đã ghi nhận sự đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca các dân tộc Thái, Thổ trên địa bàn của các nghệ nhân như: bà Phiên, ông Bình, ông Hải hay ông Hương và các CLB dân ca dân tộc Thái, Thổ đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, tạo sự lan toả rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ.
Chính những đóng góp bình dị của họ đã góp phần xây dựng huyện miền núi Quỳ Hợp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng là địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xây dựng điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số ở Bắc Trung bộ.
Cùng với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương trong toàn huyện, hầu hết những di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, như lễ hội cồng chiêng, khắc luống; nghệ thuật dân gian, các làn điệu xuối, lăm, nhuôn của đồng bào Thái hay các điệu tập tính tập tang, đu đu điềng điềng của đồng bảo Thổ…được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.
Trong thời gian tới, chính quyền các địa phương ở Quỳ Hợp sẽ tiếp tục thực hiện theo đề án huyện điểm văn hóa, cùng phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng nhiều CLB dân ca các dân tộc Thái, Thổ nhằm lưu giữ những làn điệu cổ, cũng như cải biên những giai điệu mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng một số công trình lịch sử, văn hóa trọng điểm gắn với du lịch như: Thác bản Bìa (Châu Lý); Bia dẫn tích Bãi tập - Lê Lợi (Tam Hợp); Thác bản Tạt (Yên Hợp)…
Tất cả sự nỗ lực, cố gắng đều vì mục tiêu chung là xây dựng huyện Quỳ Hợp có đời sống kinh tế - xã hội ổn định, phát triển; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, sớm đưa Quỳ Hợp trở thành huyện miền núi khá nhất của tỉnh Nghệ An.