"Ngành y chao đảo thì người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi"

BÌnh Nguyên| 08/06/2022 20:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Những ngày qua, liên tiếp thông tin kỷ luật rồi khởi tố bị can đối với những cán bộ nguyên lãnh đạo ngành Y khiến nhiều người không khỏi hoang mang.

Báo chí đưa thông tin dày đặc, đâu đó trên các diễn đàn không gian mạng, nhiều người tỏ ra buồn đau, tiếc nuối khi nhiều cán bộ ngành y có năng lực phải dính vòng lao lý; những lo lắng về khó khăn ngành y đang đối mặt và là vấn đề được nhắc đến nhiều hơn.

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bên hành lang Quốc hội.

Với việc Quốc hội phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế vào sáng 7/6, ông Nguyễn Thanh Long- một đại biểu Quốc hội đã chính thức rời ghế Tư lệnh ngành Y tế sau gần 19 tháng đảm nhiệm.

Nhìn lại 19 tháng giữ vai trò tư lệnh ngành Y tế, thấy rằng ông đảm nhiệm chức vụ trong thời gian khó khăn, vất vả nhất trong lịch sử ngành Y khi cơn bão Covid-19 tràn qua. Thời điểm mà bằng mọi giá người dân phải ở yên trong nhà để tránh dịch thì tất cả cán bộ  ngành y trong đó có ông cũng các ngành chức năng ra tuyến đầu chống dịch.

Bên hành lang Quốc hội, khi được các phóng viên hỏi về ngành mình, đại biểu TP Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan chỉ rơm rớm nước mắt lắc đầu rồi lặng lẽ quay đi.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng chia sẻ trong tâm trạng không vui. Ông nói “sẽ rất buồn nếu ngành y sụp đổ sau vụ “scandal Việt Á”.

Theo đại biểu, vụ Việt Á có thể nói là một scandal rất lớn trong ngành Y, để lại một hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Từ người đứng đầu ngành đến nhiều lãnh đạo ngành y tế ở các địa phương dính lao lý, nó mang đến tâm lý nặng nề, buồn bã, cả đau đớn đối với những người công tác trong ngành Y.

Chúng ta đều biết rằng ngành Y là một ngành cao quý, ngành chữa bệnh cứu người, được người dân tôn trọng, tôn thờ. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, một bộ phận không nhỏ lãnh đạo trong ngành y có biểu hiện tha hóa, biến chất, không còn xứng với “Lương y như từ mẫu”. Tôi được biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và có thể còn chưa dừng lại, dư âm của nó chắc chắn còn kéo dài.

Ai có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý đến nơi đến chốn. Phát hiện đến đâu cần xử lý đến đó. Song chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách rạch ròi, khách quan, công minh. Ai có tội phải xử, nhưng có công phải khen. Những người sai phạm trong ngành Y dẫu sao cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, là những con sâu trong nồi canh, còn lại hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế không dính dáng gì đến vụ Việt Á, vẫn giữ được phẩm chất, vẫn ngày đêm khám chữa bệnh cứu người thì họ vẫn cần phải được tôn trọng đúng mực.

“Tôi cho rằng, càng những lúc như thế này, càng cần phải có sự quan tâm, động viên của các cấp các ngành, chính quyền các địa phương với ngành y, để giúp ngành y vượt qua khó khăn và tránh tâm lý sụp đổ, buồn bã, không ai muốn làm, không ai dám làm gì. Ít nhất thì cũng phải để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở đúng tâm thế của mình để họ yên tâm công tác.

Ngành y chao đảo thì chính các người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thế nên càng lúc này, càng rất cần sự động viên với ngành Y, với những cán bộ nhân viên y tế, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành Y hoạt động",  đại biểu bày tỏ quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ngành y chao đảo thì người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi"