Ngày 11/8, tàu thăm dò Luna-25 đã rời quỹ đạo Trái Đất. Đây là sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, khi Liên Xô đi tiên phong trong việc chinh phục không gian.
Sứ mệnh mặt trăng của Nga đang chạy đua với Ấn Độ, quốc gia đã gửi tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan-3 vào tháng trước, và các nước khác như Mỹ và Trung Quốc - hai nước có các chương trình thám hiểm mặt trăng tiên tiến.
Một tên lửa Soyuz 2.1v mang theo tàu Luna-25 đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow 5.550km về phía Đông, vào thứ Sáu lúc 02:11 sáng theo giờ Moscow.
Tàu đổ bộ dự kiến sẽ hạ cánh xuống mặt trăng vào ngày 21/8, Giám đốc vũ trụ của Nga Yuri Borisov cho biết hôm thứ Sáu. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos trước đó đã ấn định ngày hạ cánh là ngày 23/8.
“Bây giờ chúng ta sẽ đợi đến ngày 21/8. Tôi hy vọng rằng một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng có độ chính xác cao trên mặt trăng sẽ xảy ra”, ông Borisov nói với các công nhân tại sân bay vũ trụ Vostochny sau vụ phóng.
Luna-25, có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ, sẽ hoạt động trong một năm ở cực Nam của mặt trăng, nơi các nhà khoa học tại NASA và các cơ quan vũ trụ khác trong những năm gần đây đã phát hiện dấu vết của nước đóng băng trong các miệng hố bị che khuất của khu vực.
Điện Kremlin cho biết, sứ mệnh Luna-25 còn nhiều khó khăn, vì nhiều trong số các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Ukraine nhắm vào lĩnh vực hàng không vũ trụ của Moscow, mặc dù không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Nga ngày càng độc lập khi đã cắt đứt gần như tất cả các mối quan hệ không gian với phương Tây cũng như vai trò của mình trên Trạm vũ trụ quốc tế, nơi mà sự hợp tác của cơ quan vũ trụ Nga và NASA được coi là rất quan trọng đối với sự sống còn của tiền đồn này trong không gian.
“Khát vọng của Nga đối với mặt trăng được tổng hoà trong rất nhiều thứ khác nhau. Tôi nghĩ trước hết, đó là sự thể hiện sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế”, Asif Siddiqi, Giáo sư lịch sử tại Đại học Fordham, nói với Reuters.
Trong khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đã nổi tiếng vào năm 1969 vì là người đầu tiên đặt chân trên mặt trăng, sứ mệnh Luna-2 của Liên Xô lại là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận bề mặt của mặt trăng vào năm 1959 và sứ mệnh Luna-9 năm 1966 là sứ mệnh đầu tiên hạ cánh mềm ở đó.
Moscow sau đó tập trung vào việc khám phá sao Hỏa và kể từ năm 1991, Nga đã không gửi tàu thăm dò ra ngoài quỹ đạo trái đất.