Ngày 30/5, Trung Quốc lần đầu tiên đưa một người dân với tư cách một thành viên của phi hành đoàn ba người tới trạm vũ trụ Tiangong của nước này.
Hôm nay, phi hành đoàn trên tàu Thần Châu-16, trong đó có ông Quế Hải Triều (Gui Haichao), Giáo sư tại Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh Beihang, đã cất cánh nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Jiuquan ở Tây Bắc Trung Quốc.
Phi hành đoàn gồm ba người: Trưởng đoàn là Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng), kỹ sư Chu Dương Trụ (Zhu Yangzhu) và giáo sư Quế Hải Triều đã được phóng lên quỹ đạo.
Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng là người lần thứ 4 thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian.
Zou Lipeng, Giám đốc Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, cho biết vụ phóng "hoàn toàn thành công" và "các phi hành gia đang ở trong tình trạng tốt".
Trung Quốc là quốc gia thứ ba đưa con người vào quỹ đạo, hy vọng sẽ gửi một tàu vũ trụ có người lái lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Chương trình được đầu tư hàng tỷ đô la do quân đội điều hành nhằm nỗ lực bắt kịp Mỹ và Nga.
Tiangong có nghĩa là “thiên cung”, được ví là viên ngọc quý trong chương trình không gian của nó. Chương trình cũng đã hạ cánh thành công các xe tự hành trên Sao Hỏa và Mặt Trăng.
Nhà chức trách cho biết Thần Châu-16 là sứ mệnh đầu tiên tới Thiên Cung kể từ khi nó bước vào giai đoạn “ứng dụng và phát triển”.
Tàu Thần Châu sẽ cập bến với mô-đun lõi Tianhe của trạm vũ trụ. Sau đó, phi hành đoàn sẽ gặp ba đồng nghiệp của họ từ chuyến bay Thần Châu-15, những người đã ở trạm được 6 tháng và sẽ trở lại Trái đất trong những ngày tới.
Người phát ngôn của CMSA, Lin Xiqiang, cho biết Thần Châu-16 sẽ thực hiện một số thí nghiệm trong nhiệm vụ, bao gồm cả “các hệ thống tần số thời gian không gian có độ chính xác cao”, thuyết tương đối rộng và nghiên cứu về nguồn gốc sự sống.
Trạm vũ trụ đã được bổ sung nước uống, quần áo, thực phẩm và nhiên liệu đẩy trong tháng này để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Thần Châu-16.
Một chuyên gia cho biết, sứ mệnh hôm thứ Ba đại diện cho “một chuyến bay luân phiên thường xuyên của phi hành đoàn” nhưng vẫn không kém phần quan trọng.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học và nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết: “Việc tích lũy kinh nghiệm chuyên sâu trong các hoạt động bay vào vũ trụ của con người là rất quan trọng và không phải lúc nào cũng liên quan đến các cột mốc ngoạn mục mới".
Các kế hoạch cho “giấc mơ không gian” của Trung Quốc đã được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, và nước này đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng.
Ông Lin cho biết: “Mục tiêu tổng thể là đạt được cuộc đổ bộ đầu tiên của phi hành đoàn lên Mặt trăng của Trung Quốc vào năm 2030 và thực hiện các cuộc thám hiểm khoa học trên Mặt trăng cũng như các thí nghiệm công nghệ liên quan.
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, Thần Châu-16 mang theo một số thiết bị khoa học tiên tiến, bao gồm cả “hệ thống đồng hồ nguyên tử lạnh đặt trên không gian đầu tiên trên thế giới”.
Thiên Cung dự kiến sẽ ở trong quỹ đạo tầm thấp của Trái đất ở độ cao từ 400km đến 450km trong ít nhất 10 năm. Nó liên tục được điều khiển bởi các đội luân phiên gồm ba phi hành gia.
Hôm thứ Hai, Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc đã nhắc lại việc họ đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác quốc tế trong dự án.
Theo CMSA, Bắc Kinh có kế hoạch cử hai sứ mệnh không gian có người lái tới Thiên Cung mỗi năm. Tiếp theo sẽ là Thần Châu-17, dự kiến phóng vào tháng 10.