Nâng cao quyền tiếp cận công lý thông qua Tòa án

Thanh Hải| 11/09/2020 15:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bảo đảm quyền và khả năng tiếp cận công lý được coi là một trong những nguyên tắc bản chất của quyền tư pháp và cũng là một trong những đặc trưng cơ bản bảo đảm quyền con người bằng Tòa án.

Nâng cao quyền tiếp cận công lý thông qua Tòa án

Ảnh minh họa (nguồn TTXVN)

Quyền tiếp cận công lý của người dân

Việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thông qua nhiều cơ chế, phương thức khác nhau để giải quyết các tranh chấp, tuy nhiên trong phạm vi một quốc gia, hiệu quả nhất của tiếp cận công lý là tìm kiếm sự công bằng, khắc phục sự bất công, thiệt hại, tổn thương thông qua các thiết chế quyền lực của nhà nước, đặc biệt là thiết chế tư pháp - Tòa án.

Quyền tiếp cận công lý với mọi người dân, trước hết là Tòa án phải dễ tiếp cận, phải bảo đảm cho tất cả các đương sự, những người "yếu thế" đang bị xâm hại nhận được sự trợ giúp pháp lý mà không gặp phải khó khăn gì. Quyền tiếp cận công lý là quyền được thông tin đầy đủ về quy trình, kết quả tố tụng của vụ án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Việc niêm yết công khai thủ tục tư pháp là một yêu cầu bắt buộc đối với các trụ sở Tòa án; tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của người tham gia tố tụng là yêu cầu quan trọng của nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận công lý. Các quy định về thẩm quyền của Tòa án (thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo vụ việc) phải bảo đảm để các bên có thể tiếp cận đến Tòa án giải quyết vụ việc một cách hợp lý và bình đẳng. Tòa án có thẩm quyền phải có trách nhiệm thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định của pháp luật, có nghĩa vụ hướng dẫn cho các bên hoặc chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, người yêu cầu nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác, bảo đảm vụ việc được xét xử một cách nhanh chóng, hợp lý, tránh kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên và tốn kém về thời gian, tiền của của cá nhân và Nhà nước.

Điều 10, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR) quy định rằng "mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan" để xác định các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Mọi người đều được đối xử công bằng trước tòa án, được suy đoán vô tội và được đảm bảo những tố tụng tối thiểu dành cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự như được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình; có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn; được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý; được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên tòa và thẩm vấn họ tại tòa;... (khoản 3, Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Được bảo vệ bằng một phiên tòa công bằng là yếu tố thiết yếu để đảm bảo các quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân.

Quyền tiếp cận công lý đã được ghi nhận và bảo đảm trong Hiến pháp và pháp luật tố tụng ở nước ta, Chương trình cải cách tư pháp đến năm 2020 và kế hoạch công tác cải cách tư pháp của ngành TAND đã đặt ra mục tiêu: "Nghiên cứu, từng bước thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Tòa án, người dân khởi kiện ở một Tòa án, Tòa án có trách nhiệm xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào để chuyển hồ sơ và thông báo cho người khởi kiện biết; công khai hóa thủ tục tiếp cận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông tin, trích lục bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật". Việc khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp 2013 với việc hiến định các giá trị của Nhà nước pháp quyền như quyền con người, quyền tư pháp của Tòa án, nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ các giá trị đã được ghi nhận của Tòa án,… có thể thấy mục đích cao cả, trọng tâm của Nhà nước ta hướng tới là vì con người, vì công lý.

Quyền được tiếp cận công lý được coi là thước đo bảo đảm công bằng và bình đẳng của mọi người dân trong một xã hội. Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận công lý có thể tạo ra từ tâm lý truyền thống của người dân trong việc chọn lựa các phương thức bảo đảm quyền của mình khi có tranh chấp (ngại kiện tụng) nhưng cũng không thể phủ nhận rằng tính hiệu quả của các thiết chế công quyền trong việc bảo đảm quyền con người còn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Việc cải cách tư pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật là nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền con người hiện nay ở Việt Nam. Cần phải hiện thực hóa vai trò bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án để người dân tin tưởng và lựa chọn Tòa án làm thiết chế bảo vệ quyền của mình.

Qua 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực như hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, hoàn thiện pháp luật về tổ chức của các cơ quan tư pháp, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên. Việc tranh tụng tại phiên tòa bước đầu đạt được một số kết quả tích cực đã tạo không khí dân chủ trong hoạt động tư pháp… Có thể nói, kết quả cải cách tư pháp đã tác động tích cực đến khả năng và cơ hội tiếp cận công lý, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp - đặc biệt là trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Bảo vệ các quyền cơ bản của công dân

 Thực trạng tiếp cận công lý và bảo vệ các quyền cơ bản của người dân cũng như hiệu quả hoạt động của các thiết chế Nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, khắc phục. Để thúc đẩy quyền tiếp cận công lý, bảo đảm công bằng và bình đẳng cho người dân ở nước ta hiện nay, cần phải tiếp tục công cuộc cải cách tư pháp hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, quyền tiếp cận công lý như:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý trong giải quyết các tranh chấp pháp lý. Mặc dù người nghèo, người khuyết tật và người thuộc gia đình có công là đối tượng được trợ giúp theo Luật Trợ giúp pháp lý, nhưng các đối tượng này cho biết họ hầu như không nhận được trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp xảy ra nên họ không biết phải giải quyết các tranh chấp đó như thế nào và cũng không biết các quyền của mình để yêu cầu bảo vệ ở một thiết chế độc lập như Tòa án. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật khiến họ mất đi cơ hội được bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và trước Tòa án. Các cơ sở trợ giúp pháp lý cần chủ động tuyên truyền phổ biến, pháp luật cũng như các quyền lợi cơ bản đến người dân, giúp họ hiểu được các quyền lợi và các cách thức để yêu cầu bảo vệ các quyền lợi đó khi bị xâm phạm.

Thứ hai, đổi mới, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Đối với hệ thống Tòa án, công khai mẫu đơn, thủ tục tố tụng trong giải quyết các tranh chấp tại các trụ sở tòa án là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, không ít Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh không niêm yết các thông tin này. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chẳng hạn, sự đòi hỏi nhiều loại giấy tờ khi việc nộp đơn khởi kiện, hay thủ tục xin giấy chứng nhận bào chữa của những người tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khiến người dân phải đi lại tốn kém và mất thời gian.

Thứ ba, các dịch vụ pháp lý phải được cung cấp ở mức chi phí hợp lý, tạo điều kiện cho tầng lớp dân cư bao gồm người nghèo, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.

Thứ tư, việc tổ chức hệ thống Tòa án hiện nay phải thuận lợi cho việc đi lại giải quyết các khiếu kiện của người dân. Rào cản về địa lý trong việc tiếp cận tư pháp cùng với thủ tục rườm rà là những nguyên nhân khiến người dân không muốn chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp bằng các thiết chế công quyền. Thực tế, để theo đuổi các vụ kiện có đương sự phải đi lại nhiều lần hàng trăm cây số đến dự phiên tòa, khiến người dân thấy phiền hà, mệt mỏi.

Thứ năm, cần phải nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong hoạt động tư pháp. Tiếp tục các giải pháp tăng cường tính độc lập, thẩm quyền xét xử và chất lượng xét xử của Tòa án. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013), thì mọi tranh chấp mà người dân khiếu kiện đều phải được giải quyết. Đúng như yêu cầu của Đảng ta tại Nghị quyết 49-NQ/TW: “Các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao quyền tiếp cận công lý thông qua Tòa án