Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND

Nhóm PV| 22/12/2022 11:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023, Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đã trình bày Dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC về công tác năm 2023 của Tòa án.

Phấn đấu 100% các vụ án được giải quyết trong thời gian luật định

Theo Thiếu tướng Dương Văn Thăng, năm 2022, đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án các cấp đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực không ngừng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội; tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án.

duong-van-thang.jpg
Thiếu tướng Dương Văn Thăng trình bày Dự thảo Chỉ thị của Chánh án TANDTC về công tác năm 2023 của Toà án.

Cùng với yêu cầu làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong bối cảnh dự báo số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, các Tòa án còn phải đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Chánh án TANDTC yêu cầu Chánh án Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC thực hiện nghiêm túc 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, yêu cầu về cải cách tư pháp và công tác Tòa án, chỉ thị còn yêu cầu Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của TANDTC đề ra.

Cụ thể, bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

z3978657725820_fadfbe5ffc3971f71cfef8f8ef99ceff.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu TANDTC

Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định (bao gồm cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án). Bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm. Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết...

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ

Dự thảo Chỉ thị yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiên phong, nêu gương trong việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, trau dồi và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tính chuyên nghiệp cao, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng.

z3978658028721_186879a863957d06bfcc5dd427e840ce.jpg
z3978657995604_e914f43b79a92efa799395f66ba9a523.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TANDTC

Yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu ở những nơi để xảy ra việc cán bộ, Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng cường hoạt động giám sát Thẩm phán. Các Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với Tòa án nhân dân cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ việc.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án, Dự thảo Chỉ thị yêu cầu mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng. Đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về mô hình, tổ chức hoạt động của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử,… để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp. Tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị với các đối tác quốc tế thông qua hình thức trực tuyến.

Chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính tư pháp cũng yêu cầu được đẩy mạnh. Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án, khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Tòa án. Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án nhân dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử, Hệ thống quản lý Tòa án, Trợ lý ảo, hệ thống giám sát và điều hành theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Triển khai thực hiện hiệu quả Hệ thống quản lý án tổng hợp do Tòa án tối cao Hàn Quốc hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác; công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án, góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân, là chỗ dựa cho nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Triển khai thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC ngày 15/12/2022 của Chánh án TANDTC quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng công tác. Thường xuyên tổ chức lựa chọn, vinh danh Thẩm phán; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án các cấp học tập, noi gương.

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của hệ thống Tòa án và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về tổ chức, hoạt động của Tòa án; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời phản hồi, phúc đáp những kiến nghị, phản ánh, thắc mắc của nhân dân liên quan tới hoạt động Tòa án. Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho hệ thống Tòa án.

Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ cho các Tòa án hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND