Năm 2022, ngành Tòa án hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao

Nhóm PV| 22/12/2022 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/12, Diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án 2023.

Hàng trăm ngàn vụ án được giải quyết trong năm 2022

Theo Báo cáo của TANDTC, năm 2022, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng (tăng gần 6% so với năm trước) với tính chất đa dạng, phức tạp và phải triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra (không quá 1,5%).

Về các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các Tòa án đã thụ lý 93.452 vụ với 178.830 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 7,71% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm. Đã tổ chức xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.

Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức 8.322 phiên tòa rút kinh nghiệm. Các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Các Tòa án đã thụ lý 444.402 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,07%, vượt 2,07% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra.

Các Tòa án đặc biệt chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan; làm tốt việc hướng dẫn đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ án. Đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức 4.916 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, giúp nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.

Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ; đạt tỷ lệ 72,6%, vượt 7,6% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các Tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với 17.416/17.432 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,9%. Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết 100% hồ sơ đề nghị áp dụng việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngoài ra, các công tác khác như: Thi hành án hình sự, miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, giải quyết các yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước,… đều được các Tòa án thực hiện đạt kết quả cao.

z3978691410836_d268e1447af97ee0f3930d7da8daf080.jpg
Điểm cầu tại TAND tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật này. Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.

Thực hiện vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các Tòa án đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, cụ thể:

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 13.463 đơn/vụ; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng đạt được kết quả cao.

Theo đó, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xét xử trực tuyến; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội đến tất cả Tòa án nhân dân các cấp. Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 3.614 vụ án.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.

TANDTC cũng tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

TANDTC đã xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xem xét, thông qua 04 Nghị quyết. TANDTC đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch. Đến nay, TANDTC đã thông qua 56 án lệ. Trong năm qua, có thêm hàng trăm bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

z3978988434898_cc1c353ee29f27d9006e7bd6d6b46805.jpg
Điểm cầu tại TAND tỉnh Lạng Sơn.

Đặc biệt, các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao. TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền.

TANDTC cũng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”; tích cực phối hợp với Bộ, ngành hữu quan trong nghiên cứu Đề án “Nghiên cứu, đề xuất định hướng mở rộng nguồn để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” do Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, tập huấn chuyên môn; Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ… cũng được Tòa án quan tâm thực hiện đạt kết quả cao.

Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Trong năm qua, có 36 công chức Tòa án nhân dân đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Công tác hợp tác quốc tế, cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả cao; tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý đơn.

z3978651794638_f9c7e1c4d79596f408a2c318da947365.jpg
Điểm cầu tại TAND cấp cao TP Hồ Chí Minh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến, các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công tư pháp cho các Tòa án. TANDTC đã xây dựng và triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết án. Đến nay, đã có hơn 483.000 lượt Thẩm phán truy cập sử dụng trợ lý ảo và đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực… Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, đã công bố được hơn 1 triệu bản án, quyết định với hơn 136 triệu lượt người truy cập nghiên cứu các bản án.

Với sự nỗ lực thực hiện năm 2022 như vậy, năm 2023 tới, các Tòa án sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, ngành Tòa án hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao