Nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Thanh Phương| 12/02/2023 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc. Một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển là là nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Trước sự biện động khó lường của thị trường, tốc độ đào thải, yêu cầu ngày một cao, cơ quan chức năng cùng người lao động ngồi vào bàn để tìm giải pháp phù hợp.

Với dân số gần 4 triệu người, Thanh Hóa có lực lượng lao động rất lớn. Hàng nghìn người đang phải di tản đi Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hay Hải Dương, hà Nội, Bắc Ninh… và cả ở nước ngoài để mưu sinh. Tuy nhiên, lực lượng lao động phổ thông, thiếu các kỹ năng trong môi trường công nghiệp hiện đại, nghiêm ngặt đang còn khá lớn. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tận dụng nguồn lực này.

Nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Tập trung nâng cao chất lượng lao động là nhiệm vụ quan trọng của Thanh Hóa

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 1 năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho 4.330 lao động. Trong đó, có 506 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm, với 24 lượt doanh nghiệp tham gia và gần 2.200 lượt lao động đăng ký tuyển dụng; hướng dẫn hơn 1.500 lao động hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Thực hiện bám sát cơ sở, nhu cầu của từng địa phương để nắm cụ thể số lượng, dự báo nhu cầu của từng ngành, Sở LĐTB&XH phối hơp với các huyện, thị tổ chức “Ngày hội việc làm” dành cho học sinh, sinh viên và người lao động đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề. 8.400 lượt người được cung cấp thông tin về thị trường lao động và các chính sách liên quan cho; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho 4.370 lượt lao động. Cấp mới 71 giấy phép lao động, cấp lại 5 giấy phép lao động và gia hạn 29 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn; tiếp nhận hơn 2.100 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm; trợ cấp thất nghiệp cho 2.178 người.

Năm 2023 Thanh Hóa phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước là 53.000 người và xuất khẩu lao động là 5.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 2,8% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuống còn 5,8%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 31,5%.

Được biết, năm 2022, với sự nỗ lực của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho 59.850 lao động. Trong đó, đưa 11.760 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 235% kế hoạch năm) góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,9%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 5,9%; giảm tỷ lệ nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 32%.

Nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Nhiều lao động có cuộc sống khá giả từ xuất khẩu lao động

Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình, phương thức đào tạo để phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng lao động phổ thông, Thanh Hóa đang có nhiều chế độ khuyến khích, hỗ trợ lao động chất lượng cao về địa bàn. Đồng thời thực hiện các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa 51.347 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Hầu hết người lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều có thu nhập tốt, việc làm ổn định. Hàng năm, số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về địa phương này khoảng 3.000 tỷ đồng.

Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở 3 cấp: Tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, Thanh Hóa đã hỗ trợ rất tích cực các doanh nghiệp tham gia làm công tác xuất khẩu lao động. Vai trò, trách nhiệm của sở, ban, ngành, địa phương được cụ thể hóa để phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

Khi lao động sang bên nước ngoài, cơ quan chức năng phối hợp với Đại sứ quan, cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại giúp đỡ, tạo điều kiện, chủ động giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế những tranh chấp trong xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn yên tâm đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường