Chính trị

Năm 2024, Quốc hội giám sát lĩnh vực tài khoá, tiền tệ, bất động sản và nhà ở xã hội

Duy Tuấn 17/11/2023 13:39

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), với khoảng 160 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính và gần 1.500 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.

toan-canh-ok.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 02 chuyên đề là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

tranluuquang.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27/7/2023 về Chương trình giám sát của UBTVQH năm 2024; theo đó đã chọn 02 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

ctqh.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, để triển khai có hiệu quả giám sát các chuyên đề, các Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các Đoàn giám sát cần tận dụng tối đa các tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua để tổ chức triển khai có hiệu quả.

Trong đó, tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, khâu tổ chức thực thi để luật sớm đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm minh; đồng thời, các kiến nghị giám sát cần được nghiên cứu, chắt lọc sâu sắc, sát với tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị “Chính phủ, các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát và tổ chức có liên quan cần bám sát đề cương, kế hoạch để chuẩn bị báo cáo theo đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì cần trao đổi ngay với Thường trực các Đoàn giám sát. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thống nhất về cách thức tổng hợp, lấy số liệu, bám sát yêu cầu về nội dung trong các đề cương”.

Không giám sát “chay”

Từ điểm cầu Quảng Ninh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, riêng về chương trình giám sát năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ rất sớm, ngay khi kỳ họp thứ 5 kết thúc, đồng thời với ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 4/4 chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát chi tiết.

nguyenthithuha.jpeg
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà

Căn cứ Kế hoạch, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã và đang chủ động, tích cực triển khai kế hoạch giám sát do Quốc hội, UBTVQH giao tại địa phương. Với quan điểm của các ĐBQH trong Đoàn đều thống nhất là không “giám sát chay” vừa kết hợp giám sát qua báo cáo, vừa giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở. Trên thực tế có nhiều nội dung thông qua giám sát trực tiếp đã phát hiện nhiều vướng mắc bất cập về cơ chế, chính sách, làm rõ nội dung cần giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đề nghị, chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, đảm bảo tính liên thông, giảm dần sự chồng chéo trùng lắp trong hoạt động giám sát.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề nghị, lựa chọn chuyên đề giám sát chuyên sâu, bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, mang tính thời sự, cấp bách, có tính chiến lược, lâu dài để thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

trieuvancuong.jpeg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường

Đồng thời, sau khi có kết luận giám sát, yêu cầu đơn vị, tổ chức được giám sát báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được giám sát.

“Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trước, trong và sau khi có kết luận giám sát chuyên đề để kịp thời thông tin đến cử tri, nhân dân đối với những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc lớn trong dư luận”, ông Cường nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn. Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành ủng hộ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hoàn thiện thẩm quyền, giám sát các lĩnh vực nóng

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.

caothixuan.jpeg
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Theo bà Xuân, việc sửa đổi cần tập trung gắn hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được đề ra, tình hình thực tế của đất nước, của địa phương.

“Cần hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát. Cũng như , hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát” Bà Xuân nói.

Đi vào cụ thể, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân. Nhiều đại biểu đã chỉ ra đã có một làn sóng tươi mới và một khí thế cũng như kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó nổi lên là hoạt động giám sát khá đồng đều.

Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên qua việc báo cáo, xem xét các báo cáo với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình.

Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong phạm vi quyền hạn của mình cũng đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Công tác phối hợp rất chặt chẽ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, không chỉ là phối hợp trên dưới mà còn dọc ngang, không chỉ Trung ương mà cả địa phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, Quốc hội giám sát lĩnh vực tài khoá, tiền tệ, bất động sản và nhà ở xã hội