Phái đoàn thương mại hùng hậu của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã đến Trung Quốc để đàm phán với Bắc Kinh nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ngày 3/5, cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ diễn ra tại Trung Quốc, không lâu sau khi phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh. Cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong 2 ngày (3 và 4/5). Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Ngoài người dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Mnuchin còn có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, Cố vấn chính sách kinh tế Nhà Trắng Larry Gudlow, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
Nội dung đàm phán lần này chủ yếu xoay quanh chủ đề tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa hai bên. Dự kiến tại cuộc đàm phán, phía Mỹ sẽ nêu phàn nàn về các chính sách thương mại của Trung Quốc, từ việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ đến việc Trung Quốc bảo hộ phát triển công nghệ. Phía Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng cắt giảm 100 tỷ USD trong 375 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ.
Đây được xem là cuộc tham vấn cao nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp mức thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc vào đầu tháng 4 và sau đó đã nhanh chóng bị Trung Quốc đáp trả lại tương tự.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, các cuộc tham vấn giữa hai nước về vấn đề kinh tế và thương mại sẽ chỉ mang tính xây dựng chừng nào phái đoàn Mỹ thể hiện sự chân thành trong quá trình trao đổi.
Phía Trung Quốc cho rằng, Mỹ nên gia tăng xuất khẩu những hàng hóa kỹ thuật cao mà Mỹ đang hạn chế xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia, kết quả khả quan nhất của cuộc tham vấn này là thỏa thuận tiếp tục đối thoại song phương, còn rất khó có một kết quả đột phá cho những mâu thuẫn về thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.