Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy…

Hải Vân| 28/01/2017 14:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” – Câu thành ngữ đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ học trò Việt Nam. Dẫu Tết xưa và Tết nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tình nghĩa trân quý ấy vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Ngày xưa, cha ông ta quan niệm có ba người cần được kính trọng nhất trong tâm thức một con người biết đối nhân xử thế, đó là: vua, thầy học và cha mẹ đẻ. Vì thế, Tết là dịp để người ta nhớ ơn, tri ân những người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu dắt ta trong bước đường đời. Đặc biệt tri ân những người đã có công dìu dắt chúng ta trong học tập, trưởng thành trong nghề nghiệp, đó là những người Thầy.

Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy…

Tết thầy ngày xưa đơn giản về vật chất, nhưng về tinh thần thì mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Có người làm ăn phát đạt hoặc đỗ đạt trong chốn quan trường, hoặc “ăn nên làm ra” trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó được người thầy truyền dạy, thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay, lễ vật đủ loại cao lương mỹ vị. Có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, nhưng rất muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để con cháu biết đường ăn ý ở mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. Đó là Tết thầy của cá nhân.

Ngày xưa, cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết, người học trò vẫn đến thăm thầy với một tấm lòng tôn sư trọng đạo. Thường thì mùng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh - những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, vị trí xã hội - tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.

Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.

Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, Tết thầy cũng  đã có nhiều thay đổi. Đôi lúc, đây đó người ta cũng đã lợi dụng Tết thầy để biếu xén, quà cáp nhằm mục đích…vụ lợi. Nhưng, vẫn còn rất nhiều những tình cảm chân thành, biết ơn sâu đậm của những học trò đã trưởng thành nhớ về thầy cô của mình mỗi khi Tết đến xuân về.

Rất nhiều những du học sinh đi học ở nơi xa vẫn không quên đến thăm thầy cũ, trường cũ. Rất nhiều những người dù đã trưởng thành, giữ địa vị cao trong xã hội nhưng cũng không quên đến thầy giáo làng mỗi dịp về quê đón Tết…đó chính là những giá trị truyền thống, những tình cảm chân thành vượt qua mọi toan tính. Bởi, người thầy, trên hết vẫn là những người đã nuôi dưỡng ước mơ và dìu dắt ta đi qua một thời tuổi trẻ để có được những thành công của ngày hôm nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy…