Văn hóa - Du lịch

Mùa nước nổi – Bản giao hưởng trầm lặng

Minh Anh 04/11/2024 08:21

Không phải tự nhiên mà mùa thu Việt Nam lại khiến bạn bè quốc tế ghi nhớ và ấn tượng đến thế. Bởi mùa thu Việt Nam luôn có những nét đặc sắc, hấp dẫn rất riêng mà không nơi nào có được. Thu Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa, vùng rẻo cao Tây Bắc chìm trong sắc vàng mê mải của lúa chín, của những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp đến nao lòng đang nở rộ, sông nước miền Tây vào mùa nước nổi đầy ắp cá tôm, …khiến bất cứ ai cũng phải say mê.

mt.jpg

Đất lành khắp Chốn nở hoa

Thật may mắn cho những ai đã trải nghiệm đầy đủ tiết trời mùa thu ở cả 3 miền đất nước. Từ cực Bắc, những ngọn núi cao chọc trời, ruộng bậc thang nối tiếp nhau từng thửa như khoác lên mình một màu vàng óng ả. Nơi mà người ta có thể cảm nhận rõ ràng nhất sự se lạnh của mùa thu. Từ sáng sớm đến khi chiều tắt nắng, mọi thứ dường như được hong mình trong cái hanh hao tháng 10. Nó đủ sức làm khô rang mọi thứ nó đi qua. Nhưng khi nắng tắt, cảnh vật như quay ngoắt 180 độ. Cái se lạnh đầu mùa, bầu không khí trong lành như vừa được lọc qua hàng ngàn cây xanh rậm rạp và những cơn gió từ đỉnh núi thổi xuống lại càng khiến người ta co rúm lại.

Hay mùa thu của Hà Nội. Thu không ồn ào, không vội vã, mà đến như một lời thì thầm, một cái chạm nhẹ vào lòng người, làm ai ai cũng như muốn chậm lại để lắng nghe từng âm thanh tinh tế của mùa vàng. Thiên nhiên vạn vật như hóa thành êm dịu, còn vương vấn chút hè cuối cùng. Gió heo may cũng bắt đầu len lỏi từng góc phố, mang theo hơi lạnh mỏng manh, vừa đủ để người ta kéo nhẹ chiếc khăn choàng hay ôm chặt lấy bản thân.

464334706_951541883661176_5311230764789264045_n.jpg
Ở miền Tây, mùa nước nổi lại tràn trề nhựa sống với những gam màu xanh mát, nảy nở của thiên nhiên, cảnh vật độ thu về.(Ảnh: Duy Khánh)

Còn ở miền Tây, mùa nước nổi lại tràn trề nhựa sống với những gam màu xanh mát, nảy nở của thiên nhiên, cảnh vật độ thu về. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch (tức khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về đồng bằng sông Cửu Long tạo thành biển nước, từ An Giang, Đồng Tháp men theo kênh Vĩnh Tế về Kiên Giang - nơi cuối nguồn mùa nước nổi.

Vào thời gian này, đất trời miền Tây như được phủ lên một màu xanh ngát của sông nước, ruộng đồng, những cánh rừng tràm trải dài vô tận. Cảnh vật khác hẳn so với trước đó vài tháng. Những cánh đồng vốn khô cằn vào mùa khô nay biến thành mặt nước phẳng lặng, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những ruộng lúa, vườn cây, ao cá dường như tan biến, nhường chỗ cho biển nước mênh mông.

Những hình ảnh con nước lên, cả cánh đồng mênh mông trong các bộ phim mà tôi đã từng xem như “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Mùa nước nổi”, “Đất phương Nam”, “Mùa len trâu”... đã giúp tôi thấu hiểu tại sao đây chính là mùa nước giúp hồi sinh vùng đất này, mùa khai thác những sản vật từ nước mà thiên nhiên ban tặng.

464374151_1025796939352093_1159687186743454925_n.jpg
Vào mùa nước nổi, miền Tây mới sở hữu vẻ đẹp mênh mang, ngọt ngào và êm dịu đến thế.(Ảnh: Duy Khánh)

Nước lên làm đất đai vùng hạ lưu sông Mê Kông như được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng và cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Cửu Long. Những khu rừng tràm, rừng ngập nước cũng trở nên sống động hơn bao giờ hết, với sự trở về của các loài chim, cá, và cả những sinh vật nhỏ bé khác. Vườn quốc gia Tràm Chim, rừng U Minh Hạ hay rừng tràm Trà Sư trở thành thiên đường cho những ai yêu thiên nhiên, với hệ động thực vật phong phú và cảnh sắc hữu tình.

Chỉ có vào thời điểm này, miền Tây mới sở hữu vẻ đẹp mênh mang, ngọt ngào và êm dịu đến thế. Tất cả là sự giao hòa của thiên nhiên, con người và cuộc sống đời thường. Và đến khi ra về, trên con xuồng nhỏ vẫn du dương những câu hát trong bài Về miền Tây:

Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong

Vui niềm vui ấm no cuộc sống

Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông

Yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng

mt-2.jpg

Vui niềm vui ấm no hạnh phúc

Có ai từng hỏi, sông nước êm đềm là thế vậy khi mùa bão lũ người dân miền Tây sẽ như thế nào? Có đi rồi mới hiểu, có gặp những con người nơi đây rồi bạn mới biết: thế nào là tinh thần sống cùng lũ, ăn cùng lũ và làm bạn với lũ. Lạc quan, yêu đời lúc nào cũng mênh mông, dạt dào như dòng nước mạnh là điều bạn sẽ cảm nhận được khi đến với người miền Tây. Bởi họ hiểu và xác định những khó khăn, thách thức ngay từ đầu. Chính vì vậy, hầu hết họ lấy thuyền làm nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều trên ghe thuyền với những bữa ăn đạm bạc, vội vàng để kịp theo những con nước mưu sinh. Khi nước về không phải là thử thách mà với họ còn là món quà của thiên nhiên, là nguồn sống nuôi dưỡng cả đồng bằng suốt bao đời.

Tôm cá, rất nhiều thuỷ sản đặc trưng cũng theo con nước tràn về. Người người, nhà nhà nhộn nhịp thả lưới, quăng mùng như đi trẩy hội. Rồi chỉ cần mở mắt, đứng ghé bên mạn thuyền bạn cũng sẽ thấy những cảnh tưởng thú vị. Khi mặt trời mới hắt vài tia nắng xuống mặt nước, khi những hàng cây mới chút đung đưa vì chị gió cựa mình thì cũng là lúc những chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ trên dòng nước, tay chèo mềm mại của người dân như hòa cùng nhịp điệu của dòng sông. Tiếng cười nói rộn ràng của những người dân chài lưới vang vọng giữa không gian rộng lớn, như một bản giao hưởng ngọt ngào của miền sông nước. Đánh bắt cá, mò ốc, bắt lươn - tất cả trở thành một phần của nhịp sống mùa nước nổi, mang lại niềm vui và sự no đủ cho mỗi người dân nơi đây. Cứ thế mà người dân tại đây càng gắn bó với nhau hơn. Ai cũng như người thân thuộc đã quen biết từ lâu. Họ san sẻ với nhau từng con cá, con tôm, từng mớ rau, cọng hành…

Quá thiếu sót nếu đến với mùa nước nổi miền Tây mà lại không nhắc tới ẩm thực. Cùng với cuộc sống dân dã, mùa nước nổi còn gắn liền với những hương vị ẩm thực đặc trưng không thể bỏ qua. Cá linh non - món quà trời ban của mùa nước nổi - được người dân khéo léo chế biến thành nhiều món ăn ngon, như lẩu mắm, cá linh kho tộ, hay đơn giản chỉ là cá linh chiên giòn chấm mắm me. Bông điên điển - loài hoa vàng rực rỡ nở rộ trên những cánh đồng ngập nước, cũng là nguyên liệu tuyệt vời cho các món ăn miền Tây như lẩu cá linh, bông điên điển xào tỏi, hay nấu canh chua. Hương vị của mùa nước nổi luôn ngọt ngào, đậm đà và không thể nào quên.

Người miền Tây không chỉ sống cùng sông nước mà còn biết tận dụng mùa nước nổi để tạo nên một nền văn hóa độc đáo. Từ những ngày hội chợ nổi, đến những lễ hội truyền thống, mùa nước nổi luôn là khoảng thời gian rộn ràng, vui tươi. Đặc biệt, các phiên chợ nổi trên sông như Cái Răng, Phong Điền hay Ngã Bảy đều trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại đây, người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa ngay trên những chiếc thuyền, xuồng chở đầy hoa quả, nông sản, tạo nên một bức tranh sinh động và chân thực của cuộc sống miền sông nước.

Đây cũng là mùa mưu sinh của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc…, nhiều hộ còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập. Những chuyến đi khai thác thủy sản bắt đầu từ tờ mờ sáng trên tắc ráng, vỏ composite gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước, buổi trưa cập bến để mang sản vật lên vựa cân đong bán cho thương lái. Từ những vựa thu mua này, sản vật mùa lũ được vận chuyển ra các chợ để bán.

464280327_950523107096387_3205750864300558648_n.jpg
Người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa ngay trên những chiếc thuyền, xuồng chở đầy hoa quả, nông sản, tạo nên một bức tranh sinh động và chân thực của cuộc sống miền sông nước.(Ảnh: Duy Khánh)

Dọc theo tuyến kênh ngút tầm mắt là đồng nước mênh mông và những rặng điên điển đang vào mùa trổ bông vàng rực. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phú Hội (huyện An Phú) cho biết: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán cũng được trên 30.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm rất tươi ngon. Vào mùa nước nổi, mỗi ngày tôi cũng hái được năm ba ký, có thêm chút thu nhập để phụ thêm tiền học cho con”, anh Tuấn bộc bạch.

Thế nên tự bao đời, mùa nước nổi là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, kinh tế và tinh thần của người dân nơi đây. Đó là mùa của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, là mùa của tình cảm chân thành, giản dị nhưng sâu sắc. Mùa nước nổi mang theo sự ngọt ngào, mênh mang của những cơn mưa chiều nhẹ nhàng, của nụ cười đôn hậu của người dân miền Tây, để lại trong lòng mỗi người một cảm giác bình yên, ấm áp không thể nào quên.

Để đến khi về, bạn sẽ còn nhớ mãi từng khung cảnh, điệu ví câu hò, những dư vị của ẩm thực tại đất trời miền Tây. Và đặc biệt là những câu nói có một không hai của các má, các ngoại ở đây: “Hời ơi, khách té chơi hở con…”. Nào là “chời đất, gòi xong, má hú, bâng quơ…. Con bé ni bận cái đầm cưng ác. Nó bần công chuyện gọn hơ hà, chứ hổng phải lê thê như bà chị nó”… Nhiều từ còn nghe được, chứ nhiều tiếng lóng là khiến du khách cứ mắt tròn, mắt dẹt. Đôi khi “chưng hửng” tò te mãi không hiểu gì. Có điều là lạ, dù chẳng hiểu gì nhưng nghe nhịp điệu lên xuống, lúc trầm lúc bổng, lúc thì chót vót trên ngọn cây mà lại thấy vui vui, dễ mến. Nó đơn giản, chất phát như chính con người nơi đây.

463780201_938849054950873_7051090193595952379_n.jpg
Hương vị của mùa nước nổi luôn ngọt ngào, đậm đà và không thể nào quên.(Ảnh: Duy Khánh)
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa nước nổi – Bản giao hưởng trầm lặng