Chiều qua 19/4, ông Phùng Xuân Nhạ đã chính thức tiếp nhận bàn giao chức vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông Nhạ đang là một trong những tân Bộ trưởng được dư luận khá kỳ vọng bởi lối tư duy mới mẻ trong cải cách và những phát ngôn thuận lòng người.
Tại buổi lễ nhận bàn giao nhiệm vụ từ Bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Vũ Luận, tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn, được Trung ương phân công nhiệm vụ phụ trách Bộ GD&ĐT là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Bộ trưởng cũng coi việc bàn giao nhiệm vụ này như một cuộc chạy tiếp sức, tiếp bước bậc tiền nhiệm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận bó hoa chúc mừng từ Bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Vũ Luận tại lễ bàn giao nhiệm vụ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chân thành gửi lời cảm ơn đến những người đi trước và nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vì đã xây dựng tiền đề, nền móng để ông tiếp bước trên con đường phát triển sự nghiệp giáo dục.
Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chúc tân Bộ trưởng sức khoẻ và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, triển khai công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để ngành tiếp tục đạt kết quả tốt.
Buổi bàn giao có sự chứng kiến của các thứ trưởng, lãnh đạo cấp cục, vụ, viện trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Có thể nói tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận bàn giao công việc vào đúng thời điểm Bộ GD&ĐT còn đang ngổn ngang bởi nhiều kế hoạch lớn. Đó là, Bộ đang chủ trì triển khai việc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Có rất nhiều công việc dang dở dang thu hút sự quan tâm của xã hội như việc đổi mới thi cử với năm thứ 2 thực hiện kì thi THPT quốc gia, đổi mới chương trình SGK phổ thông, đổi mới mạnh mẽ việc dạy học, đánh giá học sinh phổ thông cùng với việc áp dụng các mô hình, phương pháp dạy học phát huy chủ động, sáng tạo của người học.
Bên cạnh những thành quả được ghi nhận, ngành GD&ĐT cũng vẫn còn nhiều bất cập chưa giải quyết dứt điểm, cần có những biện pháp xử lý mạnh hơn.
Trước đó, trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội hoàn tất bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ sáng 9/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, đã làm trong ngành nhiều năm, thấu hiểu những khó khăn, gian khổ không hề nhỏ mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đã phải trải qua. Nay được đặt vào cương vị ấy ông ý thức sâu sắc rằng có rất nhiều thử thách đang chờ ở phía trước.
Mặc dù vậy, ông rất tin tưởng vào thành công vì GD&ĐT là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt. Ông tâm niệm, chỉ khi nào xã hội có niềm tin vào giáo dục mới thắng lợi; chưa có niềm tin thì vẫn thất bại.
Cũng trong những phát ngôn đầu tiên của tân Bộ trưởng, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ quan niệm, giáo dục phải tạo được môi trường tốt để mọi người học tập suốt đời theo triết lý học để biết, học để làm việc, học để sống với nhau và học để làm người.
Theo Bộ trưởng, cần tạo được động lực cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý tích cực, phấn khích thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cần tạo môi trường sư phạm thật sự trong các trường học (thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường…) và lan tỏa ra xã hội.
Tân Bộ trưởng bày tỏ có rất nhiều chuyên gia giỏi, đầy nhiệt huyết ở cả trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ, nhiệt tình của họ, chúng ta không lo ngành GD&ĐT không có “hòn núi cao”.
Về nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: GD&ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước của ngành, việc đầu tiên ông bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.
Khẳng định, đây là một sự nghiệp hết sức lớn lao, ông nói: Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người. Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Khẳng định, quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người, Bộ trưởng cho rằng, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này; đồng thời việc đổi mới chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và học liệu phù hợp sẽ được coi là khâu quan trọng; và đổi mới quản lý, quản trị ở các cơ sở giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình và giám sát của xã hội cũng sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với chất lượng và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì để chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm. Đây là tiềm năng, là nguồn lực thực tế và cũng là nền tảng văn hóa-xã hội đảm bảo cho thành công của sự nghiệp Đổi mới GD&ĐT. Với sự chung tay, góp sức của toàn dân và sự ủng hộ của toàn xã hội thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.
“Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để đi tới thành công, người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại, đồng thời phải có quyết tâm rất cao, bản lĩnh vững vàng với tinh thần bứt phá quyết liệt. Tôi nguyện sẽ dành hết tâm sức của mình cho công việc để đáp lại sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Bộ trưởng bày tỏ bày tỏ sự quyết tâm.