Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng nhập lậu các bộ phận sản phẩm, nhập lậu chất ma túy sau đó tổ chức pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy để rao bán tại Việt Nam với số lượng rất lớn.
Tại Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vừa tổ chức chiều 29/10, Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử.
Đối tượng bị tác động, lôi kéo sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Trong nước, số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Năm 2022, Công an cả nước phát hiện, xử lý 178 vụ/ 215 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT/TLNN). Năm 2023 là 439 vụ/516 đối tượng.
Trong 6 tháng đầu năm năm 2024, liên quan đến TLĐT có chứa chất ma túy, Công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ/83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng TLĐT có chứa chất ma túy.
Thuốc lá thế hệ mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Trung, hiện nay, chưa có cơ chế quản lý đối với thuốc lá mới. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá không có điều, khoản nào quy định về thuốc lá mới. Các sản phẩm thuốc lá mới không đáp ứng quy định về khái niệm thuốc lá và nguyên liệu của thuốc lá theo quy định của pháp luật hiện hành, không thuộc điều chỉnh của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. TLĐT/TLNN cũng không thuộc mặt hàng cấm sản xuất, kinh doanh.
TLĐT/TLNN nhập lậu chủ yếu bị xử lý hành chính về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu” và “buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ” hoặc không có hóa đơn, chứng từ. Một số trường hợp bị xử lý về hành vi “Buôn lậu” theo Điều 178 hoặc ”Sản xuất, mua bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Thượng tá Trung cho hay, trước đây, TLĐT có chứa ma túy chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ, số lượng không lớn, phần lớn qua đường xách tay.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nhập lậu các bộ phận sản phẩm, nhập lậu chất ma túy sau đó tổ chức pha chế, sản xuất TLĐT có chứa chất ma túy và rao bán tại thị trường Việt Nam với số lượng rất lớn.
Ngoài ra, lực lượng Công an toàn quốc cũng đã khám phá ra nhiều vụ các đối tượng sản xuất, mua bán cốt CBD (có chứa cần sa tổng hợp) để bơm, tiêm vào thuốc lá điện tử.
Các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm TLĐT có chứa chất ma túy (Ampire, găngster, Amtestdam, Bestas, Wukong…) với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau, đi liền với các quảng cáo (chủ yếu lợi dụng không gian mạng) gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại…) nhằm thu hút giới trẻ, đối phó với sự phát hiện, ngăn cấm, lên án của gia đình, xã hội, sự đấu tranh của lực lượng chức năng.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được đâu là ma tuý “núp bóng”, đâu là sản phẩm tiêu dùng bình thường. Ngoài ra, chúng còn thường xuyên thay đổi, sử dụng các chất ma túy mới, chưa được quy định trong Danh mục chất ma túy của chính phủ quy định để tạo các sản phẩm TLĐT có thành phần chất ma túy mới nhằm tránh bị xử lý...
Kết quả đấu tranh còn cho thấy, chúng còn thường xuyên thay đổi, sử dụng các chất ma túy mới, chưa được quy định trong Danh mục chất ma túy của chính phủ quy định để tạo các sản phẩm TLĐT có thành phần chất ma túy mới nhằm tránh bị xử lý.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng góp tiếng nói ủng hộ Bộ Y tế trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật. Ước tính năm 2022, thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng). Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Trước những hậu quả vô cùng nặng nề do thuốc lá gây ra, Bộ Y tế đề nghị cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện cơ quan này đang xây dựng hồ sơ sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời thực hiện kết luận của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc là nung nóng, trong đó giao cho Bộ Y tế trong năm 2024 chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này, qua đó đề xuất các biện pháp quản lý.