Bắc Hà, Lào Cai một vùng núi non hùng vĩ, xứ sở của hoa ban nở trắng rừng, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử, những trang phục sặc sỡ nhiều gam màu nóng và quê hương của những vũ điệu dân gian sôi động, say đắm lòng người... Đặc biệt là điệu xòe của người Tày – Tà Chải. Những vòng xòe khiến con người biết rung động trước cái đẹp. Xòe giúp gắn kết con người, hướng con người có quan niệm sống đẹp, biết trân trọng tình nghĩa.
Hồn xòe trên “cao nguyên trắng”
Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, đặc biệt mùa xuân những nương đồi, thung lũng nhỏ trồng mận tam hoa bung nở nhuộm sắc trắng tinh khôi, hoa đào tô sắc hồng, hoa cải vàng lung linh.., truyền thống văn hóa dân tộc Tày, Mông... đậm đà bản sắc, nổi bật là điệu xòe Tà Chải được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Múa xòe có từ khi nào không ai biết, chỉ biết trước kia, điệu múa này chỉ biểu diễn phục vụ gia đình thổ ty Hoàng A Tưởng, quan khách và thống lý các vùng lân cận. Theo phong tục, vào đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên, người làm ở nhà thổ ty ra suối lấy nước mới thì đó cũng là lúc điệu xòe bắt đầu được biểu diễn.
Sự giao thoa giữa văn hóa Á - Âu đã khiến những vòng xòe thêm mềm mại, sinh động, vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn của điệu Valse cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của xòe Tà Chải so với xòe ở những nơi khác.
Múa xòe gồm nhiều điệu thức như: xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xòe sạp... các điệu múa đều thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt trai gái, già trẻ, vòng xòe càng nhiều người tham gia càng đậm đà, ấm cúng. Những người tham gia múa xòe tay trong tay, chân bước nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng, tiếng bài hát "Inh lả ơi", "Múa xòe hoa"... ngân vang núi rừng Tây Bắc.
Những điệu xòe phổ biến và nổi tiếng hơn cả là điệu múa nón, múa sạp, múa quạt, múa vòng… Các điệu múa này thể hiện tình đoàn kết cộng đồng cao, tất cả mọi người tham dự nắm tay nhau, vừa múa hát, vừa nhảy múa theo tiếng khèn, tiếng cồng, chiêng rộn rã. Vòng xòe càng nhiều người tham gia càng thể hiện sự đậm đà, ấm cúng. Các điệu xòe đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc sống, của lao động sản xuất như gánh nước, xay thóc, giã gạo, hái rau, bắt cá…
Nổi bật là điệu xòe then là loại hình nghệ thuật có sự tham gia của nhiều người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong cộng đồng dân tộc Tày. Ngoài thầy then làm nhiệm vụ chủ trì cúng các thần thánh thì những người tham gia xòe then, hát then là những đồng bào Tày tại địa phương.
Mỗi điệu đều có những nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều gắn với đời sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Xòe mang đến tiếng cười cho bản làng, thôn, xóm, giúp mọi người quên nhọc nhằn trong lao động, sống vui vẻ, lạc quan hơn.
Đắm say những điệu xòe
Ngày nay, múa xòe trở thành hoạt động không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải. Mỗi khi có hội, có lễ (lễ lồng tồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới…), người Tày Tà Chải lại tổ chức múa xòe. Xòe để cây lúa thành bông, cây bông thành bắp, trai gái thành đôi, xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hàng ngày.
Đặc biệt, nếu đến Tà Chải vào mùa Xuân, du khách sẽ có dịp tham dự hội xòe được tổ chức vào ngày 05/1 âm lịch để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, trong tiếng trống, chiêng, tiếng kèn pí lè vang lên rộn rã, tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nam nữ cùng nắm tay nhau, hoà mình vào những điệu xòe truyền thống hết sức sôi nổi.
Ngoài giá trị giải trí, các điệu xòe còn có vai trò gắn kết cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Tày. Để khai thác thế mạnh và phát triển các điệu xòe truyền thống, xã Tà Chải đã thành lập 5 đội xòe ở các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang và Na Hối.
Người Tà Chải có câu “Mí cốc chắng mí pai, mí sai chắng mí chứa” (Có gốc mới có ngọn, có cây mới có cành). Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau. Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên như Vàng Văn Tỉ, Giàng Po Thai, Lăm Po Rằn... đã khuất núi, thế hệ lớp thứ hai như nghệ nhân Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều... cũng chẳng còn nhiều. Nhưng “tre già măng mọc”, những “cây đại thụ” xòe trên Tà Chải vẫn ngày ngày truyền dạy cho con cháu đời sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc nơi đây.
Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống.
Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2014), giá trị của nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải được nâng lên một nấc thang mới, không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Tà Chải để được đắm say trong những điệu xòe.