Lên Hà Giang vào mùa Xuân khi hoa đào, hoa lê nở rộ, cùng những lễ hội độc đáo hoặc phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu thì những cung đường lại nhộn nhịp hơn, rộn rã hơn cũng là lúc bạn được thưởng thức vẻ đẹp chuyển mình của một trong những con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam. Đó là Con đường Hạnh phúc - nơi mà “sỏi đá cũng nở hoa”.
Sở dĩ cung đường này được gọi với cái tên là “Con đường Hạnh phúc” bởi đây là thành quả của sự hy sinh cả máu và hoa, là truyền thống sức mạnh và đoàn kết của thanh niên 16 dân tộc trong 2 triệu ngày công ròng rã.
Hơn 1.300 thanh niên xung phong và hơn 1.000 nhân công, họ làm việc bằng những công cụ hết sức thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, là xà beng, búa tạ,… trong điều kiện vô cùng khó khăn, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao (khi thì quá nóng khi thì quá lạnh) thiếu thốn lương thực, nước uống. Nhưng họ đã vượt qua tất cả, với bàn tay và khối óc của hàng nghìn người đã mở ra con đường, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho dân tộc, cho đồng bào nơi đây.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người nghiên cứu nhiều tài liệu về công trình phá núi mở đường “Hạnh phúc” đã khẳng định đó là con đường đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta. Thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất, số ngày công nhiều nhất.
Và để rồi cung đường hạnh phúc hùng vĩ làm mê mẩn từng người khi đặt chân tới đây bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của thiên nhiên. Vẻ đẹp của loài hoa Đỗ Quyên, sắc trắng của hoa Ban trên những đỉnh núi cao.
Con đường dường như luôn biết chiều lòng người ghé thăm, khi mang vẻ đẹp thay đổi theo mùa. Mùa Đông phảng phất màu đen xám của mây trời, của sương mù mờ ảo. Mùa Hạ những vạt nắng của bình minh chiếu qua khiến con đường như bừng sáng. Hay từ tháng 9 đến tháng 11, còn đường lại hấp dẫn du khách bởi màu vàng của lúa chín và màu hồng, màu tím của hoa tam giác mạch… Nó như ôm trọn cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng của Hà Giang.