Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm Bộ Công Thương trong vụ án tại TISCO

Mạnh Hùng| 15/04/2021 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện VKS vào cuối giờ chiều qua (14/4), sáng nay, các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tranh luận lại trước quan điểm của đại diện VKS.

cc84fdb5-6365-4030-ace2-5164a9a47eb2.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Mở đầu phần tranh luận, bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO đã nhờ luật sư Đinh Anh Tuấn, đoàn luật sư TP Hà Nội là luật sư bào chữa cho bị cáo bào chữa cho mình.

Luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương khi giới thiệu VINAINCON tới các bị cáo trong vụ để họ chọn làm nhà thầu phụ.

Cũng tại tòa, các bị cáo là cựu lãnh đạo tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) khai, họ chấp nhận VINAINCON vì có văn bản của Bộ Công Thương do một Thứ trưởng ký. Tại văn bản, Bộ Công Thương cho hay, VINAINCON là doanh nghiệp của bộ, có năng lực tốt.

Đánh giá sự việc này, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, tránh nhiệm chính trong việc giới thiệu VINAINCON phải thuộc về Bộ Công Thương; TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Trọng Mừng bị đại diện VKS quy kết có trách nhiệm chính trong vụ án khi không chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) dù doanh nghiệp này có vi phạm.

faa451f6-ae24-41bb-906c-988630f64fd7.jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà

Cụ thể, năm 2007, TISCO và MCC ký hợp đồng EPC trọn gói, giá 160 triệu USD để xây dựng dây chuyền luyện kim. MCC sau đó vi phạm hợp đồng, không xây dựng và đòi tăng giá.

Cơ quan truy tố cho rằng, bị cáo Mừng lúc này phải chấm dứt hợp đồng với MCC, thu hồi tiền tạm ứng; báo cáo người có thẩm quyền để hủy đấu thầu, cho đấu thầu lại. Tuy nhiên, bị cáo lại chỉ đạo để đàm phán theo yêu cầu của MCC; ký văn bản đề nghị tăng giá phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC.

Ngoài ra, bị cáo còn giới thiệu và chấp thuận cho Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. VINAINCON không đủ năng lực nên năm 2011 đã dừng thi công, khiến dự án đến nay chưa hoàn thành.

Nói về hành vi không dừng hợp đồng với MCC, luật sư Đinh Anh Tuấn dẫn nhiều văn bản thể hiện bị cáo Trần Trọng Mừng từng ký nhiều văn bản hối thúc MCC thực hiện dự án.

Ngoài ra, bị cáo Mừng từng ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS nội dung: “Đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xin phép chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Yêu cầu MCC trả lại tiền đặc cọc và bồi hoàn thiệt hại”. Việc này không được cấp có thẩm quyền chấp nhận.

Theo hợp đồng EPC, nếu có tranh chấp, TISCO và MCC sẽ giải quyết tại tòa trọng tài tại Singapore. Vì vậy, TISCO ký hợp đồng với hãng luật Kenvil Chia của quốc đảo này tư vấn và nhận trả lời: “Không thể xem nhẹ việc chấm dứt hợp đồng và chỉ nên xem xét việc chấm dứt nếu không còn các sự lựa chọn nào khác”.

Bị cáo Mừng đã chọn việc tiếp tục hợp đồng, thực hiện thay điều chỉnh giá phần xây lắp và thay đổi giá hợp đồng EPC theo quy định tại Thông tư 09/2008 của Bộ Xây dựng.

Cũng theo luật sư Tuấn, việc hợp đồng phần C bị thay đổi hình thức từ trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá không phải do bị cáo Trần Trọng Mừng đưa ra. Thậm chí, bị cáo Mừng phản đổi việc này vì thay đổi theo đơn giá là giá quý sau cao hơn quý trước khiến dự án “đội giá”, nhà thầu không tích cực làm việc.

Theo đó, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng thân chủ của mình chỉ có một phần trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ nên đề nghị Tòa án chuyển tội danh từ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho thân chủ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm Bộ Công Thương trong vụ án tại TISCO