Xét xử vụ án xảy ra tại TISCO: Đại diện Bộ Công Thương cho rằng các văn bản đều ký đúng luật

Mạnh Hùng| 13/04/2021 22:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối buổi làm việc tại phiên toà xét xử ngày 13/4, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), luật sư, HĐXX đã tham gia xét hỏi đối với đại diện của Bộ Công Thương.

Theo đó, luật sư đã đặt câu hỏi với vị đại diện của Bộ Công Thương: “Việc Bộ Công Thương ký công văn cho ý kiến đồng ý giao cho HĐQT VNS xem xét và điều chỉnh giá của gói thầu EPC số 01 tại công văn số 7355 ngày 20/8/2008 có đúng các quy định của pháp luật hay không?”. Đại diện theo ủy quyền của Bộ Công Thương cho biết những văn bản của Bộ đều được ký đúng pháp luật.

a382367d-1360-4ae1-ac0c-28db349c5e1b.jpeg
Hội đồng xét xử trong vụ án

Theo phần trả lời của đại diện Bộ Công Thương, tại thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất là do những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…

Trước những thông tin đưa ra nêu trên của đại diện Bộ Công Thương, Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi lại: “Ông có biết quan hệ kinh tế là gì không? Là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận; cứ giá lên là có quyền thay đổi hay sao? Ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro; không phải tất cả đều do vấn đề về giá”.

cc84fdb5-6365-4030-ace2-5164a9a47eb2.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Trước câu trả lời “Bộ Công Thương ký các văn bản đều đúng pháp luật”, HĐXX lưu ý: “Nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng trước tòa”.

Bên cạnh đó, Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng lưu ý đại diện Bộ Công Thương rằng nên trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận đến đó. Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng, Bộ Công Thương lấy tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ, tại sao lại khẳng định nhà thầu phụ đủ năng lực…?

Trước đó, trả lời câu hỏi về hợp đồng EPC ký giữa Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và đơn vị trúng thầu là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), đại diện của Bộ Công Thương cho biết căn cứ vào báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), TISCO, Bộ Công Thương tổng hợp để trình lên Chính phủ.

Khi HĐXX truy vấn về căn cứ để Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thì đại diện Bộ Công Thương cho biết không nắm được chi tiết; những người ký hồ sơ liên quan đều đã nghỉ hưu.

gang-thep-thai-nguyen-luat-su.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên toà

Với bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNS, Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng giải thích rằng một phần nguyên nhân sâu xa ở đây là còn rơi rớt những tư tưởng rất bao cấp trong đầu các nhà lãnh đạo.

Theo thẩm phán, chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp có quyền tự chủ riêng, tại sao lúc nào cũng báo cáo, vậy quyền tự chủ ở đâu? Nếu báo cáo thì cũng chỉ báo cáo khi chuẩn bị đầu tư, lập phương án kế hoạch đầu tư, còn khi đã phê duyệt quyết định đầu tư thì quyền tự chủ thuộc về chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp.

Với tư cách Chủ tịch HĐQT VNS, bị cáo Mai Văn Tinh nhận thấy tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo đã tìm mọi biện pháp tốt nhất để khắc phục.

Bên cạnh đó, Thẩm phán Trương Việt Toàn còn đặt một câu hỏi cho nguyên Chủ tịch VNS: “Bị cáo có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?” thì chỉ nhận được sự im lặng từ phía bị cáo Mai Văn Tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án xảy ra tại TISCO: Đại diện Bộ Công Thương cho rằng các văn bản đều ký đúng luật