Phóng sự - Ghi chép

Lời thề khắc giữa non thiêng

T. Thành 18/05/2023 07:27

Hơn 7 thập kỷ trước, người Pa Kô, Vân Kiều tập trung dưới chân núi Coóc Tăng cắt máu ăn thề quyết một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng. Và rồi dẫu có trải qua bao thăng trầm, bao biến thiên của lịch sử, lời thề ấy vẫn vang vọng giữa non cao.

Một lòng hướng về Bác

Dọc dãy Trường Sơn trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... là nơi sinh tụ của nhiều dân tộc anh em. Trong đó, đông nhất là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, định cư chủ yếu ở các huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị).

Xưa kia, người Pa Kô, Vân Kiều có một nét văn hóa hết sức riêng biệt đó là đặt tên người theo biểu tượng của cây cối, muông thú, như Arâl, Târnau, Kê, Pata, Plo, Prung. Thế nhưng, hiện nay tất cả các tộc người Pa Kô, Vân Kiều đều có chung một họ Hồ. Đây là sự tri ân của đồng bào đối với công ơn của Đảng và Bác đã mang lại cho dân tộc cuộc sống ấm no hạnh phúc.

anh-bai-loi-the-khac-giua-non-thieng-2.jpg
Già Hồ Mơ: “Được mang họ Hồ là niềm tự hào của mỗi người dân Pa Kô, Vân Kiều”.

Nhắc đến chuyện được mang họ Bác Hồ, ông Hồ Mơ, một cựu chiến binh người Pa Kô, ở thôn Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, người từng bốn lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” kể, vào năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù phân hóa lợi dụng.

Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng người Pa Kô, Vân Kiều ở phía Tây Quảng Trị đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coóc Tăng, tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng.

Sau đó, các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Và trong thẻ cử tri của mình năm đó, tên của mỗi người Pa Kô, Vân Kiều đều mang họ Hồ.

Chính tấm lòng luôn luôn hướng về vị Cha già của dân tộc cho nên năm 1957, khi nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã cử đại diện ra gặp Bác để xin phép được mang họ Hồ.

Đến giờ, lịch sử cách mạng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn ghi: “Tháng 6/1957, Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều, Pa Kô ở Vĩnh Linh cử đại biểu do ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Kô mang họ của Người. Được Bác Hồ tặng họ, người Vân Kiều, Pa Kô đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề, đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác…”.

Cùng “đất nước đứng lên”

Già Hồ Văn Cươi, một cựu chiến binh sống qua hơn tám mươi mùa trăng tại bản A Ho (xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chia sẻ, được mang họ Hồ vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào của cộng đồng người Pa Kô, Vân Kiều. Và cũng nhờ có Đảng, có cách mạng, có Bác Hồ mà người Pa Kô, Vân Kiều mới bước ra khỏi lầm than đói khổ, bước ra từ rừng già sâu thẳm để an cư lạc nghiệp.

anh-bai-loi-the-khac-giua-non-thieng-1.jpg
Già Hồ Văn Cươi: “Hình ảnh của Bác mãi mãi khắc sâu trong tim của mỗi người dân Pa Kô, Vân Kiều”.

Bởi đến giờ, khi nhắc lại câu chuyện về tổ tiên mình, già Cươi cũng như nhiều người già Vân Kiều, Pa Kô khác đều không khỏi ngậm ngùi. Câu chuyện đó kể rằng, xưa kia, người Pa Kô, Vân Kiều sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm.

Lý giải cho thói quen sống có phần nguyên thủy đó, người già Pa Kô, Vân Kiều bảo dân tộc của họ phải mang lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi sống kiếp lang thang, đời đời cô độc như đại bàng không có tổ, sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong hang đá. Lầm lũi và cô độc.

Người Pa Kô, Vân Kiều quan niệm, một ngọn núi, phía trên là địa phận của trời, là nơi linh thiêng để vươn tới, còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối... thuộc về ma, thế nên họ không có thói quen sinh sống tại những vùng thấp.

Chính vì lẽ ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Pa Kô, Vân Kiều vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu, chất lượng cuộc sống thấp càng khiến cho số dân của dân tộc này ngày một ít đi.

Cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người dân Pa Kô, Vân Kiều hiền lành, thương khó này đã cùng “đất nước đứng lên” chống lại kẻ thù xâm lược. Những nếp nhà Pa Kô, Vân Kiều là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng “tìm diệt” gắt gao của giặc.

Suốt những năm tháng kháng chiến, rất nhiều thanh niên Pa Kô, Vân Kiều mang họ Hồ, hăng hái tham gia kháng chiến và lập nhiều chiến công hiển hách, trong đó phải kể đến Anh hùng Kan Lịch hay Anh hùng Hồ Đức Vai – người đã từng vinh dự được gặp Bác Hồ đến 5 lần… Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở lại với bản làng mình, trở thành những “hạt giống” nòng cốt trong việc đưa dân tộc mình vượt qua gian khó.

“Trong suốt hai cuộc kháng chiến, bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở đây đều một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng. Thanh niên trai tráng Pa Kô, Vân Kiều phần lớn đều chưa được một lần gặp Bác, nhưng lúc bấy giờ ai cũng nghĩ mình phải sống, chiến đấu cho xứng đáng với họ Hồ mà Bác đã ban tặng”, già Cươi chia sẻ.

anh-bai-loi-the-khac-giua-non-thieng-3.jpg
Màu xanh no ấm trên mỗi bản làng của người Pa Kô, Vân Kiều.

Chính vì có lòng tin tuyệt đối với Đảng, với Bác Hồ nên khắp các bản làng của Pa Kô, Vân Kiều luôn sục sôi tinh thần cách mạng. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều xóm bản đã trở thành căn cứ địa; nhiều gia đình đã hăng hái tham gia phát tuyến, mở đường hành quân, đùm bọc cưu mang bộ đội, thanh niên xung phong tập kết trước lúc vào chiến trường. Những tên đất, tên làng và kỷ niệm máu thịt, ân tình giữa bộ đội, chiến sĩ với đồng bào bên mái Trường Sơn đã đi vào lịch sử, được nhắc mãi đến tận hôm nay.

Diệt “giặc đói” và “giặc dốt”

77 năm đã trôi qua, kể từ cái đêm huyền thoại dưới chân núi Coóc Tăng, người Vân Kiều, Pa Kô vẫn luôn giữ trọn lời thề, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ và theo cách mạng. Dẫu có trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử thì lời thề ấy vẫn vang vọng giữa non cao.

Giờ trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên dọc dãy Trường Sơn, trên mỗi ban thờ, ảnh của Bác luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh 2/9, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 hay đặc biệt là ngày sinh nhật Bác 19/5, đồng bào lại làm mâm cơm rồi thắp lên một nén nhang để bày tỏ lòng thành kính với vị cha già dân tộc.

Đặc biệt là hàng năm, vào dịp 26 tháng 6, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày được mang họ Bác Hồ. Trong những ngày đó hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra khắp các bản làng.

“Không chỉ trong những ngôi nhà có người già, mà ngay cả những đôi vợ chồng trẻ, khi lập gia đình và ở riêng thì trên ban thờ cũng luôn có ảnh Bác. Bởi từ nhỏ, chúng tôi đã răn dạy con cháu rằng, nhờ có Đảng, có Bác Hồ thì người Vân Kiều, Pa Kô mới có cái nương cái rẫy để tra hạt bắp, có khoảng ruộng để trồng cây lúa, không còn bị áp bức, bóc lột, không còn phải lang thang rừng rú nữa. Thế nên đối với người Vân Kiều, Pa Kô, dù già hay trẻ thì hình ảnh Bác Hồ luôn được khắc ở trong tim”, già Cươi tâm sự.

Kể từ khi hòa bình lập lại, nhớ lời dạy của Bác, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tiếp tục “chiến đấu” để diệt “giặc đói” và “giặc dốt”. Giờ dù ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) hay Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đã lùi xa. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, vì biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Nhiều bản làng đã khai thác vùng đất trũng để trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Con em đồng bào trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đã học đại học sau đó trở về xây dựng bản làng...

Già làng Hồ Văn Mòn, một gương điển hình về làm ăn kinh tế ở A Ngo, Đakrông, Quảng Trị, kể: Những năm trước đây, vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Thế nhưng với quyết tâm “mình là con cháu Bác Hồ”, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã cùng nhau chung tay xây dựng quê hương.

Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của đồng bào, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Năm này qua năm khác, những vườn cây bời lời, cây quế, cà phê vươn cành cao vút đã dần phủ lên những hố bom. Dọc tuyến đường 9, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và nhánh tây, các bản làng của người Pa Kô, Vân Kiều cũng ngày một no ấm, bình yên...

Có thể nói, kể từ khi nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Pa Kô, Vân Kiều đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản, từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, họ đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Dẫu cuộc sống còn nhiều thiếu khó, song niềm tin của đồng bào đối với Đảng, với Bác Hồ chưa bao giờ phai nhạt. Và mỗi dịp tháng 5 về, tháng có ngày sinh nhật của Bác, niềm tin ấy lại trỗi bật và hiện diện rõ nét hơn trong lòng của mỗi sơn dân nơi rừng thẳm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thề khắc giữa non thiêng