Dọc bờ sông Mã, đường lên huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) mọc những ngôi nhà tuềnh toàng, tạm bợ được xây dựng vội để che nắng, tránh mưa. Phía bên trong vẳng lên lời ru con day dứt “à ơi, lấy chồng từ thửa mười ba…”
Thời gian qua, được sự quan tâm từ Trung ương tới cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa các tuyến đường giao thông lên biên giới như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát được đầu tư thảm nhựa. Từ trung tâm TP Thanh Hóa lên huyện Mường Lát gần 300 km đã có thể đi một lèo, không bị chia cắt như trước đây. Cùng với đó là hệ thống điện sáng, các phương tiện cơ giới, xe máy… từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Nhiều hủ tục lạc hậu cũng được đẩy lùi, xóa bỏ nhưng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát. Hình ảnh bà mẹ “ăn chưa no, lo chưa tới” đèo bòng những đứa trẻ nheo nhóc, còi cọc ám ảnh bao đời nay.
Tháng 6, thời tiết có lúc nắng như thiêu đốt nhưng bất chợt lại mưa xối xả. Chúng tôi men theo đường Vạn Mai (Hòa Bình) qua xã Trung Sơn (Quan Hóa) để vào bản Khằm (xã Mường Lý, Mường Lát). Chẳng khó khăn để tìm được nhà của Lâu Thị S. (sinh năm 2007, dân tộc Mông). Khi đang theo học cấp 2 thì em bị gia đình bắt đi lấy chồng. Ở bản Mông này, những trường hợp như S. không phải hiếm.
Thấy chúng tôi bắt chuyện, bà mẹ trẻ vừa lau mũi cho con vừa sụt sùi khóc. S. không nói câu nào, chỉ đăm đăm nhìn về phía xa xăm. Chân trần trên nền đất, ánh hoàng hôn yếu ớt chiếu vào khuôn mặt đang còn "búng ra sữa" ấy khiến mọi người cảm thấy quặn thắt. Bằng tuổi của S., các bạn đang nô đùa, vui cười trên lớp học, trên những thửa ruộng bậc thang lộng gió. Vậy mà S. đang ở đây, mắc kẹt giữa cái đói, cái nghèo, lo cho bản thân chưa nổi còn phải bồng bế, chăm con nhỏ. Đôi vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ chỉ dựa vào khoảnh đồi cằn cỗi trồng ngô, sắn, thật khó nghĩ tới chuyện tương lai.
Chính nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã làm mất đi cơ hội học tập, việc làm tốt, cơ hội để cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt kết hôn cận huyết còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực.
Trong năm 2020 và đầu năm 2021 tại xã Nhi Sơn ghi nhận 3 trường hợp em gái sinh năm 2007 nghỉ học giữa chừng lấy chồng, sinh con gồm Va Thị P. ở bản Lốc Há; Thao Thị Ch. ở bản Pá Hộc và Thao Thị G. ở bản Kéo Té.
Việc các em lấy chồng sớm khi cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản. Việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tương lai của những bà mẹ và những đứa trẻ được sinh ra.
Những trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với mẹ và trẻ sơ sinh.
Trao đổi với PV, Trưởng phòng Dân Tộc huyện Mường Lát Trương Thị Huyên cho biết: Do đời sống còn nhiều khó khăn, giao thông chia cắt nên tư tưởng, suy nghĩ của người dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Mông còn bị bó hẹp. Những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu lâu đời còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tục bắt vợ của người Mông đã từng được coi là một nét đẹp văn hóa, nhưng hiện nay kéo theo nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là nạn tảo hôn. Phần lớn người Mông không biết tiếng phổ thông nên các chương trình tuyên truyền giáo dục về tác hại của kết hôn cận huyết, tảo hôn đến sức khỏe nòi giống còn nhiều hạn chế.
Thực hiện các chính sách, đề án từ Ban Dân tộc tỉnh cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và cả nhà trường từng bước giảm dần tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Trong năm 2020 trên địa bàn toàn huyện Mường Lát chỉ còn 18 cặp tảo hôn độ tuổi từ 15-16, tình trạng hôn nhân cận huyết đã được loại bỏ.
Kỳ tới: Đi tìm lời giải cho nạn tảo hôn