Pháp đình

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng được đề nghị giảm án

Mạnh Hùng 15/05/2025 - 20:16

Do có nhiều tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm nên bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, cựu Đại biểu Quốc hội đã được VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm án cho cả hai tội danh.

phuc-tham-luu-binh-nhuong.jpg
Các bị cáo trước HĐXX cấp phúc thẩm

Ngày 15/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo: Lưu Bình Nhưỡng (62 tuổi), Lê Thanh Vân (61 tuổi, đều là cựu Đại biểu Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (49 tuổi, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước).

Phiên tòa diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình, để xem xét kháng cáo kêu oan của các bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng.

Trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã xem xét các chứng cứ, lời khai, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Do đó, việc tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nhưỡng với mức án 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”; tổng hợp hình phạt là 13 năm tù là có cơ sở.

Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã nộp thêm nhiều tài liệu liên quan đến việc xin giảm nhẹ như việc vợ bị cáo này nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả, có các văn bản của một số cơ quan xác nhận việc bị cáo đã có những công lao, kêu gọi đóng góp với số tiền hàng chục tỷ đồng cho công tác thiện nguyện. Do đó, đại diện VKS cho rằng có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 3 - 6 tháng tù đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản” và từ 9 tháng - 1 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”.

Đối với bị cáo Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương, đại diện VKS cấp phúc thẩm cho rằng với các tài liệu thu thập trong quá trình điều tra vụ án, việc tòa sơ thẩm kết án 2 bị cáo này là có căn cứ, không oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được những chứng cứ, tài liệu, tình tiết mới nên không chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo này, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

luu-binh-nhuong-tai-phien-toa-phuc-tham.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày hôm nay

Trước đó, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; Nguyễn Văn Vương 14 năm tù, cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nhận mức án 3 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản" và 10 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi"; tổng hợp hình phạt là 13 năm tù.

Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương đã có đơn kháng cáo kêu oan, trong khi đó bị cáo Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, trước khi phạm tội, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Từ tháng 7/2018 đến tháng 11/2023, bị cáo Nhưỡng giữ chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời điểm tháng 5, 6/2021, Phạm Minh Cường đến gặp trao đổi với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng về thủ đoạn để lấy tiền của chi nhánh Công ty Sao Đỏ và nhờ bị cáo Nhưỡng can thiệp để tạo điều kiện cho Cường làm ăn thuận lợi.

Sau khi được Cường bán cho 30 ha bãi triều với giá khoảng 1,2 tỷ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng), bị cáo Nhưỡng gọi điện cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ Cường.

Đồng thời, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cũng đến một số cơ quan chức năng khác ở địa phương để tạo thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.

Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Cường cùng đồng phạm tiếp tục cưỡng đoạt tài sản của chi nhánh Công ty Sao Đỏ, tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, tháng 12/2020 và tháng 5/2021, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng VKS và giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho một người tên Thao, hưởng lợi bộ cánh cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi 1 lô đất trị giá 160 triệu đồng.

Ngày 15/3/2021, bị cáo Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000 USD.

Ngày 18/7/2019 và ngày 1/10/2019, bị cáo Nhưỡng lấy tư cách là Đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản can thiệp, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh trị giá hơn 1,8 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này (có trị giá hơn 1,9 tỷ đồng).

Từ tháng 7 đến tháng 10/2023, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (thời điểm này là Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để CTCP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 210 triệu đồng.

Trong khi đó, bị cáo Lê Thanh Vân ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha, hưởng lợi 1 lô đất ở Đông Anh, Hà Nội, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng và hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Vương là người đến gặp bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và bị cáo Lê Thanh Vân, nhờ can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36 ha, hưởng lợi hơn 26 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng được đề nghị giảm án