Sau nhiều năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Thanh Hóa vẫn nằm im trên giấy, gây lãng phí đất, tài nguyên và khiến người dân bức xúc.
Ngày 1/2/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Thanh Hóa, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh nhiều lần.
Dự án do Công ty TNHH Thành phố Giáo dục Quốc tế Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn phường Quảng Tâm và phường Quảng Phú, TP Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư với dự án xây dựng mới hệ thống các khu vực gồm: Trường mầm non và phổ thông với tổng diện tích là 127.243,54 m²; trường đại học và cao đẳng với tổng diện tích là 272.296,60 m².
Các công trình tiện ích giáo dục với tổng diện tích là 327.759,39 m²; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, cây xanh cách ly và tường rào với tổng diện tích là 105.861,72 m². Công suất thiết kế tối đa khoảng 752 lớp học và 18.750 học sinh.
Cơ quan chức năng đã đôn đốc các địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục và sớm kiểm kê, thực hiện việc áp giá bồi thường cho người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng.
Trong năm 2021 và 2022, UBND phường Quảng Tâm phối hợp với các đơn vị có liên quan đã tiến hành kiểm kê, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án xong phần trong mốc với diện tích 45 ha.
Còn tại phường Quảng Phú, cơ quan chức năng đã triển khai thu hồi đất, bàn giao mặt bằng từ tháng 8 năm 2022. Tuy nhiên, sau khi bàn giao mặt bằng, đến nay đã hơn 3 năm rồi mà chưa triển khai thực hiện.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo sớm thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài gây lãng phí tài nguyên, trong khi đó đất bỏ không mà nhân dân không được sản xuất.
Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, Phạm Ngọc Hồng cho biết: “Dự án Thành phố dục Quốc tế Thanh Hóa chậm triển khai đã được cử tri kiến nghị nhiều lần. Chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan cấp trên có văn bản đôn đốc chủ đầu tư phải khẩn trương thực hiện dự án như đã cam kết. Nếu không, thì trả lại dự án hoặc tỉnh Thanh Hóa thu hồi dự án để không lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân".
Được biết, ngày 8/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục có Quyết định gia hạn đối với dự án nói trên. Quyết định được ban hành dựa trên đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), cho phép dự án tiếp tục kéo dài đến hết ngày 30/6/2025.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là hết hạn, nhưng đến nay, dự án vẫn không có bất kỳ một hoạt động nào diễn ra. Tất cả vẫn đang là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Một số hộ dân tiếc đất thì cố trồng lúa hoặc sen, rau muống… Nhưng hệ thống thủy lợi không được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp nên năng suất thấp.
Thanh Hóa đang tích cực đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên, búc xúc trong nhân dân. Qua rà soát, tính đến đầu tháng 5/2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 190 dự án chậm tiến độ, trong đó có 5 dự án không sử dụng đất liên tục trong 12 tháng, vi phạm Điều 64 Luật Đất đai, và 185 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, thuộc diện phải kiểm tra, xử lý theo quy định.