Lấy chồng từ thủa mười ba/Đến khi mười tám em đà năm con”. Vì cái đói, hủ tục, sống trên núi cao địa hình chia cắt nên nạn tảo hôn của đồng bào dân tộc vẫn thường xuyên diễn ra.
Trẻ con sinh ra nheo nhóc, gầy còm, ốm yếu ngày càng cột chặt họ vào nghèo nàn, lạc hậu, suy kiệt về giống nòi. Chiều chiều ẩn sau những triền núi cao, dưới những mái nhà lụp sụp lại văng vẳng lời ru buồn quặn thắt…
Chúng tôi ngược lên vùng biên xứ Thanh vào những ngày tháng 9. Dọc những bản làng nằm chênh vênh trên sườn núi, không khó để nhận thấy sự nghèo nàn, khốn khó của người dân nơi đây. Dưới những mái nhà sàn “trống trước hở sau” là hình ảnh những bà mẹ còn quá trẻ ngượng nghịu bồng con. Nạn tảo hôn kẹp chặt người dân vào cái nghèo, cái khổ và cả những bi kịch trong hôn nhân.
Những con số đáng báo động…
Nạn tảo hôn, sinh đông con ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra đói nghèo, lạc hậu và hàng loạt các bi kịch. Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước nằm trong Chương trình 30a, 134, 135 của Chính phủ. Dù đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo song cho đến thời điểm hiện tại, hàng năm, người dân nơi đây vẫn nhờ vào nguồn viện trợ về gạo từ các dự án xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Nhiều năm trôi qua, những phong tục, tập quán lạc hậu vẫn cháy âm ỉ nơi vùng biên viễn này.
Bà Vũ Thị Dung, cán bộ Trung tâm KHHGĐ huyện Mường Lát thở dài khi nói về tình trạng tảo hôn: Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 516 cặp kết hôn thì có tới 284 cặp lập gia đình ở tuổi vị thành niên con số này đang ở mức báo động, chiếm 55,3%. Theo đó năm 2009 có 83 cặp kết hôn thì có 51 cặp cưới ở độ tuổi dưới 18. Năm 2010 có 67 cặp, tảo hôn là 50 cặp. Năm 2011, có 74 cặp lập gia đình thì có 50 cặp tảo hôn. Năm 2012, có 83 cặp thì có 30 cặp tảo hôn, năm 2013 có 133 cặp thì có 51 cặp tảo hôn. Theo bà Dung, chỉ 6 tháng đầu năm 2014, con số đã vượt ngưỡng lên 52 cặp kết hôn chưa đủ tuổi, trong tổng số 73 cặp kết hôn từ đầu năm đến nay.
Bữa ăn chỉ có cơm với rau rừng
Bà Dung cho rằng, con số thực tế các cặp vợ chồng lấy nhau ở độ tuổi vị thành niên còn cao hơn rất nhiều, tập chung chủ yếu ở Mường Chanh, Nhi Sơn, Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý. Bà Dung lý giải, nhiều trường hợp không đến đăng ký kết hôn, không khai báo nên chính quyền không biết. Đa số họ đều chọn cách sinh ở nhà để tránh bị cảnh cáo, phạt hành chính. Đáng nói nữa là khi đủ 18 tuổi, có những cặp vợ chồng đã có tới 2-3 con. Đặc biệt khi sinh xong, nhiều trường hợp cũng không đến đăng ký khai sinh cho trẻ để hưởng các quyền lợi cho trẻ em.
“Huyện Mường Lát là vùng cực Tây của Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, đồng bào chủ yếu sống ở vùng xa xôi hẻo lánh nên nhận thức còn hạn chế. Trung tâm KHHGĐ đình đã phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhưng con số này mới chỉ giảm một phần nào đó rất nhỏ. Vì vậy, để xóa bỏ hủ tục và vận động đồng bào từ bỏ hủ tục cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các ban, ngành liên quan nhằm giúp người dân nhanh chóng nhận thức và sớm thoát khỏi đói nghèo”, bà Dung chia sẻ.
Theo ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Mường Lát là huyện vùng cao có đường biên giới giáp với nước bạn Lào với khoảng 97% đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó 40,2% dân tộc Mông, người Thái chiếm 46,6%, người Mường, Dao, Khơ Mú chiếm 4,3%, số còn lại là dân tộc Kinh. Trình độ nhận thức của đồng bào còn rất hạn chế nên không thể một sớm một chiều có thể làm thay đổi được nạn tảo hôn, cần phải có thời gian và làm quyết liệt. Tuy nhiên, chưa thể đem luật hôn nhân vào áp dụng được bởi họ quá nghèo và phong tục tập quán cũ vẫn còn ăn sâu trong tư tưởng của người dân.
“Vỡ tiếng” là đi “bắt” vợ!
Qua những bản người Mông nằm sâu hun hút về phía cổng trời, nơi núi cao thâm sơn cùng cốc, có không ít những câu chuyện cười ra nước mắt. Những thiếu nữ Mông, Thái như những bông hoa rừng nở sớm như đã tô đậm thêm cuộc sống nơi vùng biên viễn này. Lấy chồng từ thuở 13-14, ở một khía cạnh nào đó là phong tục tập quán. Bởi cuộc sống nơi đây vốn đói nghèo dai dẳng, trẻ con không được đến trường hoặc chỉ đến trường đủ để biết chữ thì phải nghỉ học giữa chừng, quẩn quanh nơi bản nghèo nên lấy chồng như một việc tất yếu. Và vì thế, cái vòng đói nghèo cứ luẩn quẩn mãi không thôi, kéo từ đời này sang đời khác.
Giàng A Dế (21 tuổi) lấy cô Hờ Thị Mái ở bản Suối Phái (Tam Chung) “hồn nhiên” kể: "Ta lấy vợ năm 2008, vợ ta lúc đó 13 tuổi, xinh lắm, trắng lắm mà má lại hồng nữa. Ta đi qua nhà ta thấy thích, ưng cái bụng thì phải lấy về làm vợ thôi! Rồi ta mang một con gà, chai rượu đến hỏi Mái và làm đám cưới thôi. Thế rồi, ta làm một lèo ba đứa mà chỉ có con gái nên buồn lắm, chưa có con trai! Giờ vợ ta đang có mang đứa thứ tư mà chẳng biết là trai hay gái, nếu mà gái nữa thì phải đẻ tiếp thôi…”.
Vừa dừng lại nhấp chén trà, A Dế lại hỏi: “Thế cán bộ chưa lấy vợ à? Vậy thì thua ta rồi! Cán bộ thích gái Mông, ta đưa cán bộ đi vào qua mấy nhà quanh đây, cô nào cũng trẻ mà xinh lắm, chỉ 13-14 thôi. Cán bộ thích thì bắt về làm vợ. Gái Mông nhiều lắm!”.
Sau một phút ngập ngừng, Giàng A Dế đứng dậy kéo tay tôi đến nhà Tráng Thị Kín cùng bản, vừa đi, A Dế vừa giới thiệu: “Kín 15 tuổi, chưa thấy ai đến cả nhưng mà xinh lắm! Chăm chỉ mà lại to cao, lên nương làm rẫy trồng ngô sắn thì rất giỏi, sau này không lo bị đói đâu!”. Tôi tiếp lời A Dế: “Nhưng sinh nhiều bị đói là chắc chắn” thì nhận được cái khoát tay của A Dế: "Lo gì, cứ sinh nó ra, nó ăn gì cũng được, miễn sao nó lớn lên rồi cho chúng lấy vợ, lấy chồng. Giống ta đây thôi!”
Nhà Kín nằm ở lưng chừng núi sau những đoạn khúc khuỷu, quanh co. Kín đang bổ củi, A Dế tiến lại gần rồi giới thiệu tôi rất tự nhiên và bảo: "Anh này thích cô rồi đấy, ta dẫn lên đây để xem mặt”. Vừa nghe Dế nói xong, Kín đỏ mặt, e thẹn chạy vào trong nhà. Lúc này, ông Tráng A Tụa - bố của Kín bước ra, bắt tay mời tôi vào nhà và nói: "Nếu ưng bụng rồi thì cứ lấy thôi, lớn rồi thì phải lấy chồng, nhà nghèo đâu có cái gì mà ăn…".
Sau một hồi nói chuyện, tôi giới thiệu, giải thích việc mình có mặt ở bản. Ông Tụa tỏ ra rất hụt hẫng khi không gả được cô con cái của mình...
Khó xử lý
Ông Nguyễn Thanh Sơn, quyền Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cho hay: Biện pháp chủ yếu hiện nay là nhắc nhở, tuyên truyền, vận động cho thanh thiếu niên ý thức được việc kết hôn đúng tuổi. Sở Tư pháp đã cùng với các cơ quan chức năng liên quan mở các đợt tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, trong đó có tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa thể tuyên truyền sâu rộng được. Đồng bào nhận thức về pháp luật còn rất hạn chế nên vi phạm pháp luật do tảo hôn cao nhưng rất khó xử lý vì có phạt thì người vi phạm cũng không có tiền nộp vì rất nghèo. Và, từ trước đến nay cũng không có trường hợp nào bị đưa ra xét xử liên quan đến hành vi giao cấu với trẻ em và trẻ vị thành niên. Quan trọng nhất ở thời điểm này vẫn là các ngành chức năng cùng nhau vào cuộc, làm mạnh mới ngăn chặn được tình trạng tảo hôn.
Ông Lò Văn Ủn, Trưởng bản Piền Tạt (Mường Chanh, Mường Lát) tâm sự trong làn khói thuốc lào: Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi nên thường xuyên gặp khó khăn. Đa số những học sinh ở Piền Tạt học đến lớp 6-7 đều muốn bỏ học về phụ giúp gia đình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Piền Tạt đã có bảy cặp lập gia đình ở độ tuổi vị thành niên. Năm nay, việc lập gia đình ở tuổi vị thành niên tăng lên đáng kể, đây cũng là con số báo động bởi vì lập gia đình sớm, bản thân các em còn chưa lo được cho mình lại sinh nhiều con sẽ càng nghèo khó hơn…