Mới đây, tại khu đô thị Our City ở TP Hải Phòng, gần 400 người Trung Quốc tá túc trái phép đã biến khu đô thị thành nơi đánh bạc tới hàng chục ngàn tỉ đồng, cho thấy có trách nhiệm quản lý địa bàn của cơ quan chức năng với người nước ngoài.
Tại Kon Tum, kiểm tra, khám xét khu nhà xưởng của Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở Khu làng nghề, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, lực lượng chức năng bắt được 7 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy, thu giữ hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp; khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Đây là vụ án tổ chức sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên.
Gần đây có hiện tượng người Trung Quốc nhập cảnh bằng visa du lịch rồi ở lại hoạt động phi pháp nhưng lực lượng chức năng ở địa phương không phát hiện cho đến khi lực lượng của Bộ Công an vào cuộc. Rõ ràng là công tác quản lý nhập cảnh vẫn còn lỗ hổng pháp lý.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ đưa người xuất cảnh trái phép ở địa phương. Thủ đoạn phổ biến của bọn lừa đảo này là phao tin lo được thủ tục và hối thúc nạn nhân đưa tiền để chúng đưa đi. Việc cầm cố, vay mượn tiền để đi nước ngoài diễn ra công khai ở địa phương nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết.
Hạ tuần tháng 10, báo chí đã thông tin, Cảnh sát Anh đã phát hiện 39 thi thể 31 nam, 8 nữ người di cư bên trong một chiếc xe container ở hạt Essex, Đông Bắc thủ đô London. Thật đau lòng, danh tính 39 nạn nhân đã được xác định và đều là người Việt Nam.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đây là một bài học lớn về quản lý xuất nhập cảnh. Với con đường xuất cảnh qua môi giới, buôn người, chúng ta cần làm thế nào để đề phòng chống, để người dân không rơi vào cạm bẫy. Quan trọng nhất là phải xử lý thật nghiêm tội phạm môi giới từ trong nước. Tại sao người dân biết để vay mượn cầm cố tài sản để xuất cảnh trái phép khá rầm rộ ở các địa phương mà chính quyền sở tại không biết để ngăn chặn tận gốc?
Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, đối với những trường hợp công dân Việt Nam khi bị cảnh sát nước ngoài phát hiện không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào thì cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan trong và ngoài nước, để đưa công dân Việt Nam về nước.
Đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị trong quy định về hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài bổ sung thêm trường hợp "không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh là người có quốc tịch Việt Nam nhưng được cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài xác minh (thông qua các cơ quan ở trong nước), có đủ căn cứ xác định là công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan ngoại giao hỗ trợ công dân Việt Nam.