Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam

Nhật Minh| 21/04/2016 05:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn tâm niệm và đề cao giá trị sức mạnh của cội nguồn dân tộc. Người thường nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống con Lạc cháu Hồng….

Nhớ mùa thu năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giây phút biển người nín lặng, hàng triệu trái tim hòa chung một nhịp hướng về kỳ đài, tiếng Người bỗng vang lên: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

“Đồng bào” (cùng một bọc), hai tiếng thân thương và thiêng liêng gắn với truyền thuyết về nguồn cội nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Đồng bào - cội nguồn Đất Nước Việt Nam, mà ở đó “Đất là nơi Chim về / Nước là nơi Rồng ở / Lạc Long Quân và Âu Cơ / Sinh ra đồng bào ta trong bọc trứng” (trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Đồng bào gồm tất cả con dân nước Việt của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S đã trải qua bao thăng trầm với hơn 4.000 lịch sử dựng nước và giữ nước.  

Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam

Đất là nơi Chim về - Nước là nơi Rồng ở. Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong bọc trứng. Tranh minh họa

Bana, Kinh, Thổ... đều là anh em

Năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách. Thù trong giặc ngoài âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Theo nhận định của các nhà sử học, cách mạng Việt Nam khi đó bị đặt trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải cùng lúc chống lại ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam đã diễn ra tại Pleiku theo kế hoạch. Do phải trực tiếp lãnh đạo, đối phó với tình thế cấp bách của đất nước, Hồ Chủ tịch không thể vào dự Đại hội. Mặc dầu vậy, bức thư chỉ vỏn vẹn trên 300 chữ của Người đã đến kịp thời, đúng lúc, đã trở thành nguồn ta sức mạnh vô giá khích lệ toàn dân tộc đồng lòng quyết tâm bảo vệ đất nước.

Bác khẳng định: “Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”, đồng thời chỉ ra cội nguồn sức mạnh to lớn ấy là: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Nội dung bức thư không chỉ cho thấy tình cảm hết sức chân thành, sâu sắc của Bác với đồng bào, mà còn chỉ ra rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn là đối tượng được Bác quan tâm, chăm sóc. Đặc biệt, từ đồng bào được Bác nhắc đến 5 lần trong bức thư; cùng với sự nhấn mạnh về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết.

Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam

Bác Hồ kính yêu với các phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Đồng bào - cội nguồn sức mạnh dân tộc

Đồng bào gắn với Quốc Mẫu Âu Cơ và truyền thuyết về 18 đời Hùng Vương - những vị vua đầu tiên viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc và lưu truyền cho hậu thế muôn đời.

Sinh thời, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô vào năm 1954 tại Đền Hùng, Hồ Chủ tịch từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”.

Lời Bác dạy không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, mà còn cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh tụ thiên tài. Điều này được thể hiện khi chỉ hơn 5 tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tổ tiên.

Trải qua bao biến động thăng trầm lịch sử, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tiên tổ. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp và hướng về một cội nguồn.

Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam

Nghi lễ rước kiệu tại Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày Quốc giỗ là biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta ghi nhớ và tôn trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã dày công xây đắp. Bởi chính lòng thành kính, sự biết ơn công lao các vị Vua Hùng là sợi dây tinh thần vô giá gắn kết mỗi người dân Việt Nam góp phần làm nên sức mạnh to lớn chiến thắng mọi kẻ thù, mọi khó khăn gian khổ, đưa đất nước tiến tới văn minh, giàu mạnh.

Miền Nam ruột thịt nói chung, đồng bào Tây Nguyên nói riêng luôn ở trong trái tim Người. Tấm lòng của Bác đã truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin cho đồng bào Tây Nguyên. Đáp lại ân tình của Người bằng niềm tin yêu son sắc, lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, đồng bào Tây Nguyên đã đoàn kết một lòng, không kể “già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng” để cùng chiến đấu chống lại kẻ thù, gìn giữ từng tấc đất quê hương.

Vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cũng như hàng triệu triệu con dân nước Việt, hàng chục ngàn người con của mảnh đất Nam Tây Nguyên hung vĩ cùng với du khách thập phương đã ngược về đỉnh Phượng Hoàng (Khu du lịch thác Prenn), nơi có Đền thờ Âu Lạc, thành kính dâng lên lễ vật, thắp nén nhang tri ân tổ tiên, các bậc tiền nhân.

Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế

Từ năm 2009, ngày 19/4 hàng năm đã trở thành Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam - ngày hội chung của 54 dân tộc anh em tại ngôi nhà chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc, từ đó tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng.

Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ, thăm hỏi đồng bào dân tộc Ê Đê tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Năm nay, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một sự kiện đặc biệt, gắn với kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư tới Đại hội dân tộc thiểu số Việt Nam (19/4/1946 - 19/4/2016). Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động ấn tượng như tái hiện lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc nhằm mục đích góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, tạo cơ hội để các dân tộc giao lưu, hiểu biết về nhau hơn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đến bạn bè quốc tế.

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định mục tiêu xây dựng “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại lễ khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh giá tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam đối với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đồng thời nhấn mạnh quan điểm nhất quán, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lãnh đạo văn hóa của Đảng, Nhà nước ta là luôn khẳng định văn hóa là bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của nhân dân.

Để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo thời gian tới, cần “tập trung đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa các dân tộc anh em, củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, xây dựng những giá trị văn hóa mới, đồng thời chủ động mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, tiến cùng sự phát triển của thời đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh thiêng hai tiếng đồng bào, 54 dân tộc một nhà Việt Nam